Thư Đức Giám quản - tháng 1 năm 2014

Đức Giám quản khuyến khích sống tình huynh đệ với tất cả mọi người, được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa và được cứu chuộc bởi Đức Kitô. Cảm nhận là anh em của nhau và cư xử với nhau thực sự như anh em, đó là một hồng ân Thiên Chúa ban.

Các con thân mến,

Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Tiếng hát các thiên thần mà chúng ta suy niệm trong mùa Giáng sinh vẫn còn vang vọng trong tâm trí chúng ta và trên khắp trái đất: Vinh danh Thiên Chúa ở trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương [1]. Người ta không thể vinh danh Thiên Chúa vì sự nhập thể và giáng sinh của Con Một Thiên Chúa mà không tìm cách liên kết nhân loại trong bình an và huynh đệ. Chính vì chúng ta là con Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nên tất cả chúng ta đều là anh em. Qua việc nhập thể, trở thành người đứng đầu nhân loại, Ngôi Lời Thiên Chúa đã chuộc tội chúng ta và làm cho chúng ta trở lại làm con Thiên Chúa. Đó là tin trọng đại mà thiên thần đã công bố ở Bêlem, không chỉ cho con cái Israel, mà cho toàn thể nhân loại: Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân [2].

Nhân các lễ trong Mùa Giáng sinh, chúng ta không ngừng nghĩ đến Chúa Hài Đồng nằm trong vòng tay Đức Maria và dưới ánh mắt ân cần của Thánh Giuse. Chính đứa bé yếu ớt, Đấng Tạo thành trời đất, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa đã trở nên giống con người trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi [3], làm nảy sinh nơi chúng ta hành vi thờ lạy và tạ ơn. Chúng ta biết rằng mình không bao giờ có thể đáp trả trọn vẹn tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Chúng ta hãy tiếp tục, trong năm mới này và mãi mãi, đáp lại lời mời gọi mà thánh Josemaria đã từng nói trong nhiều dịp: Ut in gratiarum semper actione maneamus. Chúng ta hãy luôn tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành mà Ngài đã ban cho chúng ta: những ơn chúng ta biết và không biết, nhỏ hay lớn, vật chất hay tinh thần, cho dù chúng đã đem lại cho chúng ta niềm vui hay nỗi buồn. Cùng với thánh Josemaria, cha xin phép nhấn mạnh và cũng là nói với chính mình: Hãy cảm tạ Người vì tất cả, vì mọi sự đều tốt đẹp. [4]

Lễ trọng kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa mở ra phần thứ hai của mùa Giáng Sinh. Chúng ta chăm chú nhìn vào Mẹ Maria, tạo vật vô song, bằng câu trả lời đơn sơ của Mẹ với tổng lãnh thiên thần Gabriel – ecce ancilla Domini «Này tôi là tôi tớ Chúa» [5] – đã cho phép Ngôi Lời nhập thể và đã làm cho chúng ta trở thành con Thiên Chúa, thành anh chị em với nhau bằng mối dây huynh đệ còn mạnh hơn nguồn gốc chung của chúng ta trong Ađam và Eva. Mẹ ơi, Mẹ! Bằng tiếng ấy – fiat – Mẹ đã làm cho chúng con trở nên anh em của Chúa và những người thừa kế vinh quang của Người. – Xin chúng tụng Mẹ! [6] Một trong những khát vọng lớn lao nhất trong tâm hồn con người đã thành hiện thực như thế, «nỗi khát khao tình huynh đệ thúc đẩy chúng ta hiệp thông với tha nhân, những người không phải là kẻ thù hay đối thủ, nhưng là anh em để đón nhận và yêu thương» [7].

Yêu đồng loại bằng một tình huynh đệ thực sự là một trong những nét đặc thù của sứ điệp Kitô giáo. Chính Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau. Cứ dấu này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy [8]. Thánh Josemaria nhắn nhủ: Chúng ta cần phải đối xử với nhau như anh em thực sự, như các Kitô hữu đầu tiên đã sống [9]. Bạn và tôi, chúng ta có sống như vậy không? Chúng ta có cầu nguyện cho tất cả các dân tộc? Chúng ta có quan tâm đến đời sống của họ không?Điều răn mới của Chúa giúp chúng ta hiểu rằng tình huynh đệ Kitô giáo không chỉ đơn thuần là tình đoàn kết, là vấn đề hợp tính khí, đồng quyền lợi, hay thiện cảm tự nhiên. Tình huynh đệ giúp chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu trong người khác ; thậm chí, nó giúp chúng ta ngày càng giống Người, đến độ có thể khẳng định chúng ta là alter Christus – những Đức Kitô khác, và ipse Christus – là chính Đức Kitô. Nguyện vọng này được biểu hiện trong việc yêu thương và phục vụ người khác như Chúa Giêsu đã yêu thương và phục vụ họ.

Hai khía cạnh này – thấy Chúa Kitô trong tha nhân và phản ánh Chúa Kitô nơi bản thân – bổ sung cho nhau. Như vậy chúng ta sẽ tránh được từ gốc rễ mối nguy cơ yêu mến người khác vì những đức tính tốt nơi họ, vì những lợi ích họ đem lại cho chúng ta, để rồi bỏ rơi họ khi chúng ta khám phá ra những khuyết điểm hay những mặt không dễ chịu lắm trong cá tính của họ. Nếu một ngày nào đó chúng ta rơi vào cám dỗ này, chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường, luôn hết lòng giúp đỡ người khác trong mọi cơ hội, không bao giờ ruồng rẫy ai, và luôn tìm đến người tội lỗi để đưa họ trở về với Thiên Chúa.

Tình huynh đệ xuất phát từ đức tin và quyền tự do cá nhân của mỗi người. Vì tự do Kitô giáo phát sinh từ bên trong, từ trái tim, từ đức tin; tuy nhiên nó không phải một thứ gì hoàn toàn cá nhân, mà còn có những biểu hiện bên ngoài. Trong số đó – như thánh Josemaria từng viết – có một trong những nét đặc trưng nhất trong cuộc sống của những Kitô hữu tiên khởi: tình huynh đệ. Đức tin – món quà lớn lao của Tình yêu Thiên Chúa – đã làm cho tất cả những khác biệt, những rào cản, mờ nhạt đến độ biến mất: Không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; vì tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô (Ga 3,28). Việc biết rằng chúng ta là anh em và thương yêu nhau như anh em, vượt qua khác biệt chủng tộc, điều kiện xã hội, văn hóa, tư tưởng, thuộc về bản chất của Kitô giáo. [10]

Vào thời kỳ truyền giáo đầu tiên, ngay sau khi Chúa Giêsu lên trời, tình bác ái huynh đệ – nhất là đối với nguời nghèo về mặt vật chất hay tinh thần, và ngay cả đối với những kẻ bách hại – đã là một trong những yếu tố quyết định cho sự lan truyền nhanh chóng của Kitô giáo. Tertullien đã dùng môi miệng người ngoại đạo nói lên sự khâm phục trước thông điệp Chúa Kitô: «Hãy xem họ yêu thương nhau biết bao!» Ông còn thêm : «Hãy nhìn xem họ sẵn sàng chết cho nhau trong khi có lẽ có thể giết nhau.» [11]

Thông tin liên lạc chưa bao giờ lại dễ dàng, nhanh chóng và hoàn thiện như trong thời đại chúng ta. Thực tế này đáng ra phải thúc đẩy tình đoàn kết giữa mọi người. Thế nhưng, như Đức Thánh Cha Bênêđictô đã từng viết: «Xã hội càng toàn cầu hóa làm chúng ta gần nhau hơn, nhưng không làm cho chúng ta trở nên anh em. Lý trí, tự nó, chỉ có khả năng hiểu được sự bình đẳng giữa con người và thiết lập một cộng đồng dân sự, nhưng nó không thể tạo ra tình huynh đệ.» [12]

Thánh Josemaria không ngừng nhấn mạnh, như cha đã nhắc lại, về điều răn mới, mà ngài đã cho đóng khung kính tại Viện DYA, công trình tông đồ đầu tiên của Opus Dei, tám mươi năm trước đây. Ngài đã học được điều này trước đó, từ trong gia đình, là phục vụ người khác và quên mình. Tấm gương Kitô hữu sâu sắc của cha mẹ đã giúp phát triển trong tim ngài từ thời thơ ấu đến tuổi thiếu niên và khi trưởng thành tình huynh đệ đối với mọi người với những biểu hiện cụ thể: chia sẻ cho người nghèo, giúp đỡ bạn học, sẵn sàng giúp đỡ người khác về mặt tâm linh, v.v…

Mẫu gương này, cũng như nhiều gương khác mà cuộc đời ngài đem lại cho chúng ta, có thể giúp chúng ta chuẩn bị mừng ngày 9 tháng 1, kỷ niệm ngày sinh của ngài. Ngày này nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa đã chọn thánh Josemaria làm cha và trưởng tộc của gia đình thiêng liêng Opus Dei, một gia đình không ranh giới chủng tộc, tiếng nói hay quốc gia, đã được sinh ra trong lòng Hội Thánh. Tình phụ tử của Cha chúng ta, thấm nhuần tình thương yêu và tự hiến, là một phản ảnh của tình phụ tử của Thiên Chúa đối với nhân loại. Ngài cũng dạy chúng ta sống như những người con thảo của Thiên Chúa bằng cách sống tình huynh đệ đầy tế nhị, trong Opus Dei cũng như đối với mọi người.

Đây cũng chính là chủ đề thông điệp Đức Thánh Cha Phanxicô viết cho Ngày Hòa bình Thế giới. Ngay từ những dòng đầu, Đức Thánh Cha đã khẳng định một điều mà cha vừa nói đến khi nhắc lại cuộc đời của Thánh Josemaria. «Tình huynh đệ – Đức Thánh Cha xác định – được học từ trong gia đình, nhất là nhờ vai trò có trách nhiệm và bổ sung nhau của tất cả thành viên, đặc biệt của người cha và người mẹ. Gia đình là nguồn gốc của mọi tình huynh đệ, và do đó cũng là nền tảng và con đường đầu tiên dẫn đến hòa bình.» [13]

Tất cả những gì có lợi cho gia đình – để bảo vệ bản chất của gia đình dựa trên nền tảng ý định của Thiên Chúa, sự thống nhất của gia đình và việc đón nhận sự sống, ơn gọi căn bản của gia đình là phục vụ – đều tác động tích cực đến việc hình thành xã hội và các luật lệ chi phối nó. Chúng ta hãy cầu nguyện mỗi ngày cho các gia đình trên toàn thế giới. Mỗi chúng ta hãy tham gia, tùy khả năng mỗi người, để bảo vệ và phát huy gia đình là cơ chế tự nhiên rất cần thiết đối với sự phát triển tốt đẹp của xã hội. Chúng ta hãy cầu nguyện trong những tháng tới đây để chuẩn bị cho cuộc họp đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục mà Đức Thánh Cha triệu tập vào tháng 10 để nghiên cứu về cách thức truyền giáo mới trong lĩnh vực đời sống gia đình.

Mấy hôm nay, suy ngẫm thêm các bài giảng của thánh Josemaria – cha khuyến khích các con thường xuyên đọc lại các bài giảng này – cha đã dừng lại ở đoạn giải thích lý do Chúa Giêsu giáng sinh: Chúa chúng ta đã đến để đem lại hòa bình, tin mừng, sự sống cho mọi người. Không chỉ cho người giàu có, cũng không chỉ cho người nghèo. Cũng không phải cho nguời khôn ngoan, không chỉ cho người khờ dại. Mà cho tất cả anh em chúng ta, bởi vì chúng ta là anh em, vì đều là con cùng một Cha là Thiên Chúa [14].

Cảm nhận là anh em của nhau và cư xử với nhau thực sự như anh em, đó là một hồng ân Thiên Chúa ban. «Cội nguồn của tình huynh đệ nằm trong tình phụ tử của Thiên Chúa. Đó không phải là một tình phụ tử chung chung, không phân biệt và không hiệu quả trên phương diện lịch sử, nhưng là một tình yêu riêng biệt, chính xác và vô cùng cụ thể mà Thiên Chúa dành cho từng người (x. Mt 6, 25-30). Đó là một tình phụ tử làm nảy sinh cách hiệu quả tình huynh đệ, vì tình yêu Thiên Chúa, một khi được đón nhận, sẽ trở nên tác nhân chuyển đổi tuyệt vời nhất trong cuộc sống và các mối quan hệ với người khác, mở con người ra cho tình đoàn kết và sự sẻ chia sống động.»

Đức Thánh Cha tiếp lời: «Nhất là tình huynh đệ nhân loại được tái sinh trong và bởi Đức Giêsu Kitô qua cái chết và sự phục sinh của Người. Thập giá là «nơi» quyết định nền móng của tình huynh đệ, mà con người không thể tự mình tạo ra. Chúa Giêsu Kitô, Người đã mang lấy bản tính nhân loại để chuộc lại nhân loại bằng cách yêu mến Cha Ngài đến chết và chết trên thập giá (x. Ph 2,8), qua cuộc phục sinh của Ngài đã làm chúng ta nên nhân loại mới, hoàn toàn kết hiệp với thánh ý Thiên Chúa, với kế hoạch của Thiên Chúa, bao gồm việc thực hiện trọn hảo ơn gọi sống tình huynh đệ.» [15]

Vì là quà tặng của Thiên Chúa, tình huynh đệ cũng bao gồm một nhiệm vụ mà Thiên Chúa ủy thác cho mỗi người chúng ta và ta không được phép lơ là. Với một óc thực tế tốt lành, không chút bi quan, thánh Josemaria đã viết rằng cuộc đời không phải như một cuốn tiểu thuyết lãng mạn. Tình huynh đệ Kitô giáo không từ trên trời rơi xuống một lần cho mãi mãi. Nó là một thực tế phải được xây đắp ngày này qua ngày khác. Nó phải được xây đắp giữa cuộc đời đầy khó khăn, với những xung đột quyền lợi, những căng thẳng và đấu tranh, những tiếp xúc hằng ngày với những người có vẻ hẹp hòi với chúng ta, và ngay cả với chính đầu óc hẹp hòi của chúng ta. [16]

Đến đây, cha không thể không nhắc đến Cha Alvaro rất quý mến. Ở một khía cạnh nào đó, chúng ta có thể nói năm 2014 là năm của Cha Alvaro, vì chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ngài vào tháng 3 tới đây, và chúng ta hy vọng được vui mừng tham dự lễ phong Chân phước của Ngài. Các con thân mến, đây cũng là một lý do để cảm tạ Thiên Chúa và mời gọi chúng ta chuẩn bị tốt cho dịp này. Hãy sống sâu sắc hơn tinh thần con thảo và anh em.

Các con đã biết đấy, cha được Đức Thánh Cha tiếp kiến vào ngày 23 tháng 12. Ngài đã ban phép lành tông đồ cho mọi thành viên của Giáo đoàn, giáo dân cũng như linh mục, đặc biệt cho các bệnh nhân, và Ngài khuyến khích chúng ta tiếp tục công việc tông đồ tại những quốc gia hiện có các thành viên của Giáo đoàn. Ngài cũng đặc biệt khuyến khích chúng ta thực hiện việc tông đồ rất hiệu quả của Bí tích Hòa giải, Bí tích của lòng thương xót của Thiên Chúa.

Ngay sau lễ Giáng sinh, cha đã thực hiện một chuyến đi ngắn đến đất nước nơi Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Cả Giuse đã từng sống. Ngoài việc động viên các anh chị em của các con ở đó, cha đã viếng thăm công trường Saxum, trung tâm hội ngộ tương lai, đã được bắt đầu xây dựng để tưởng nhớ Cha Alvaro theo quyết định của Hội nghị Bầu cử năm 1994. Chúng ta hãy cầu nguyện với niềm hy vọng và kiên trì để công trình được nhanh chóng tiến triển, và chúng ta hãy cố gắng, mỗi người tùy sức mình, để tìm được kinh phí cần thiết cho việc xây dựng. Cha rất vui mừng khi nghĩ đến những hoa trái thiêng liêng mà công trình tông đồ này sẽ mang đến!

Như mọi khi, cha ước ao được mừng các ngày lễ này bên các con: cha đã sống những ngày lễ ấy như thế: mang tất cả các con đến với Nhà Tạm và Máng Cỏ tại các trung tâm. Các con hãy không ngừng cầu nguyện với Chúa Hài Nhi cho các ý nguyện của cha nhé; Cha cũng đã đặt các ý nguyện của các con dưới chân Người.

Với tất cả lòng yêu mến, cha gửi đến các con lời chúc lành năm mới,

Cha của các con

+ Xavier

Rôma, ngày 1 tháng 1 năm 2014.

Ghi chú:

[1] Lc 2,14

[2] Lc 2,10

[3] x. Dt 4,15

[4] Thánh Josemaria, Con đường, số 268.

[5] Lc 1,38

[6] Thánh Josemaria, Con đường, số 512.

[7] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2014, ngày 8 tháng 12 năm 2013, số 1.

[8] Ga 13, 34-35.

[9] Thánh Josemaria, Phỏng vấn, số 61.

[10] Thánh Josemaria, «Kho tàng đức tin», đăng trong Los domingos de ABC, ngày 2 tháng 11 năm 1969; tái bản trong Por las sendas de la fe, Madrid, Nhà xuất bản Christiandad, năm 2013, trang 31-32.

[11] Tertullein, Apologétique 39,7 (CCL 1,151).

[12] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate, ngày 29 tháng 6 năm 2009, số 19.

[13] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2014, ngày 8 tháng 12 năm 2013, số 1.[14] Thánh Josemaria, Khi Chúa Kitô đi qua, số 106.[15] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2014, ngày 8 tháng 12 năm 2013, số 3.

[16] Thánh Josemaria, «Kho tàng đức Tin», đăng trong Los domingos de ABC, ngày 2 tháng 11 năm 1969; tái bản trong Por las sendas de la fe, Madrid, Nhà xuất bản Christiandad, năm 2013, trang 34-35