Thư Đức Giám quản – tháng 11 năm 2015

Đức Giám quản viết về các linh hồn thánh thiện nơi Luyện tội và về những điều sau cùng: “Nhờ Đức Kitô, cái chết của những người Kitô hữu mang một ý nghĩa tích cực.”

Các con yêu quý của cha: Xin Chúa Giêsu giữ gìn các con!

Buổi lễ truyền chức Phó tế cho một nhóm anh em của các con hôm qua tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Eugene mang lại một niềm hân hoan to lớn cho cha. Khi dấn thân cho các hoạt động tông đồ của Giáo đoàn, thành phần sống động của Nhiệm Thể Đức Kitô, những người anh em ấy sẽ tiếp tục phục vụ Giáo Hội với cả tâm hồn của mình. Giáo Hội đang rất cần những thừa tác viên chức thánh luôn phấn đấu để nên thánh thiện, khôn ngoan, vui tươi và mang tinh thần thể thao trong đời sống thiêng liêng, như Thánh Josemaria hằng mong muốn. Chúng ta hãy cầu nguyện tha thiết để Thiên Chúa ban cho hồng ân là sẽ không bao giờ thiếu các Chủng sinh và Linh mục thánh thiện trong các Giáo phận trên toàn thế giới.

Khởi đầu tháng này gợi nhớ một chân lý rất an ủi, đó là mầu nhiệm Các Thánh Thông Công. Hôm nay, chúng ta đặc biệt tưởng nhớ các tín hữu đang vui hưởng nhan Thánh Chúa trên Thiên đàng, và ngày mai chúng ta đặc biệt dành những lời cầu nguyện cho các tín hữu vẫn còn đang chịu thanh luyện nơi Luyện tội, những vị mà chúng ta cần kết bạn thân thiết.

Cha nhớ lại lòng sùng kính Cha chúng ta đã dành cho ngày lễ này, và Ngài ước ao rằng, phần nào nhờ vào lời cầu nguyện mà Giáo Hội dâng lên, các linh hồn thánh thiện sẽ nhận được ơn toàn xá tha những hình phạt tạm do tội gây nên, và nhờ đó được hưởng hạnh phúc chiêm ngắm tôn nhan Thiên Chúa. Nhận thấy tính cấp bách của những việc làm thương xót, bác ái ấy, Cha Thánh đã sắp xếp để trong Opus Dei việc cử hành Thánh Lễ, Rước Lễ, và lần Chuỗi Mân Côi được dâng lên thường xuyên để cầu cho những người con của Hội đã qua đời, cho các bậc cha mẹ và anh chị em của chúng ta, cho các Cộng tác viên, và cho tất cả những ai đã ly trần. Chúng ta hãy rộng lượng trong việc cầu nguyện và dâng lên Chúa bất cứ điều gì chúng ta thấy tốt đẹp; đặc biệt dâng những công việc được chu toàn cách hoàn hảo; với một tinh thần cầu nguyện vui tươi và sám hối.

Thánh Phaolô cho một lời khuyên rất chí lý: Cotidie morior, [1] mỗi ngày tôi chết đi cho tội lỗi, để sống lại với Chúa Giêsu Kitô. Thánh Josemaría, áp dụng lời khuyên của Thánh Tông Đồ, mời chúng ta suy niệm thường xuyên về đoạn kết của cuộc đời trần thế của chúng ta, với mong muốn chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ của chúng ta với Thiên Chúa cách tốt nhất có thể. Cái chết sẽ đến với tất cả mọi người, không ngoại trừ ai. Nhiều người sợ nó và làm tất cả những gì có thể để quên nó đi, nhưng những người Kitô hữu sống theo niềm tin của mình thì không làm vậy. Đối với 'người khác', cái chết cản trở và làm họ tê liệt. Còn đối với chúng ta, cái chết – chính là Sự Sống – thôi thúc và gia tăng lòng can đảm. Đối với họ, chết là hết; còn với chúng ta, đó là một khởi đầu. [2]

Tuy nhiên, đôi khi cái chết xuất hiện như một thảm kịch, nhất là khi nó đến bất ngờ, hoặc trong trường hợp người ra đi còn trẻ tuổi, với một tương lai đầy tiềm năng đang mở ra trước mắt. Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong những trường hợp như thế, đối với nhiều người, cái chết giống như một hố đen rình rập cuộc sống gia đình mà chúng ta không thể lý giải được. [3]

Nhưng chúng ta không thể quên rằng, như Thánh Kinh nói: Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong [4]. Con người được tạo thành với bản tính phải chết, nhưng sự khôn ngoan và quyền năng tối thượng của Thiên Chúa đã định liệu cho con người khỏi phải chết, nếu ông bà nguyên tổ chúng ta đã yêu thương và trung thành tuân theo lệnh Chúa. Họ để mình bị lừa dối bởi cơn cám dỗ, và kết quả thật nhãn tiền: Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập thế gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. [5]

Nhiều suy tư của Cha chúng ta về đề tài này có thể giúp đỡ và an ủi chúng ta nhiều. Trong số đó, Ngài viết: Cái chết đến và không thể tránh khỏi. Quả là phù vân và trống rỗng nếu chúng ta đặt trọng tâm sự hiện hữu của mình vào cuộc đời này. Hãy nhìn xem biết bao người đang đau khổ. Một số đau khổ vì cuộc đời đang đi đến hồi kết thúc và người ta đau khổ vì phải rời bỏ nó; một số khác đau khổ vì cuộc sống đang diễn ra và họ chán ngán nó... Trong mọi trường hợp, chúng ta không thể biện minh cho ý nghĩ sai lầm rằng cuộc sống của chúng ta trên trần gian này tự nó có ý nghĩa. Ta cần gạt bỏ kiểu suy nghĩ đó và phải xác tín vào suy tư vĩnh hằng này: Phải có một sự thay đổi hoàn toàn: từ bỏ chính mình khỏi những ý nghĩ ích kỷ chóng tàn, để được tái sinh trong Đức Kitô, Đấng Hằng Sống. [6]

Chỉ cần nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh bằng đôi mắt đức tin sẽ cho phép ta nhận thức rõ mầu nhiệm này, mầu nhiệm mang đến nhiều ủi an hơn u sầu. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Nhờ Đức Kitô, cái chết của người Kitô hữu có một ý nghĩa tích cực: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu chúng ta đã cùng chết với Người, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (2 Tm 2,11). Điều mới mẻ chính yếu về cái chết của người Kitô hữu là: Nhờ Bí tích Rửa tội, người Kitô hữu đã “chết với Chúa Kitô” một cách bí tích, để sống một cuộc sống mới; và khi chúng ta chết trong ân sủng của Chúa Kitô, cái chết thể lý sẽ hoàn tất việc “chết với Chúa Kitô” và như vậy hoàn tất việc chúng ta kết hợp với Người trong hành động cứu chuộc của Người.” [7] Mặc dù không hoàn toàn đúng, nhưng có một yếu tố chân lý trong câu nói của thân mẫu một người anh em trong chúng ta, bà đã thốt lên với một niềm tin tuyệt vời khi đang ở ngưỡng cửa cái chết: “Làm sao Chúa lại không đón nhận tôi, khi mà tôi đã tiếp rước Người mỗi ngày trong nhiều năm qua mỗi khi Hiệp Lễ?”

Một đức tin chắc chắn, cùng với đức cậy và đức mến, có khả năng xua tan những tấm màn u buồn và sợ hãi thường che phủ những bước chân cuối cùng trên trần gian này. Và còn nhiều điều hơn thế: Như được thể hiện rõ ràng qua cách các Thánh rời bỏ thế gian, đức tin sẽ làm cho ta có thể chấp nhận cái chết trong bình an, vì ta sẽ được gặp Chúa. Đừng sợ chết. Hãy quảng đại chấp nhận nó ngay từ bây giờ..., khi Chúa muốn…, như Chúa muốn…, ở nơi Chúa muốn. Đừng lo ngại: nó sẽ đến vào giờ, vào nơi và bằng cách thức phù hợp hơn cả…, do Thiên Chúa, Cha của bạn, gửi đến. Xin chào đón người chị tử thần của ta![8]

Những suy tư này là truyền thống trong giáo huấn và đạo đức của người Kitô hữu. Chúng không có gì là tiêu cực, chúng không nhằm khuấy lên nỗi khủng hoảng vô lý, nhưng hướng đến lòng kính sợ thánh thiện trong tình con thảo, hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa. Chúng phản ánh một quan điểm hiện thực mang tính nhân bản và siêu nhiên cho thấy rõ ràng rằng sự khôn ngoan Kitô giáo, dựa trên đức tin, đã đặt sự thanh bình và tín thác vào tâm hồn con người.

Thánh Josemaria dạy chúng ta rút ra những kết luận thực tiễn từ việc suy niệm về cái chết và về những điều sau cùng nói chung. Ngài nói trong một lần giảng suy niệm cho một nhóm các bạn trẻ nam:Chúng ta sẽ không nhìn những điều đó một cách vô tư lạnh lùng. Cha không muốn bất kỳ ai trong số các con phải chết. Lạy Chúa, xin đừng đưa chúng đi bây giờ! Chúng còn trẻ, và Chúa còn rất ít khí cụ ở dưới đây! Cha hy vọng Chúa sẽ nhậm lời cha... Dĩ nhiên, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. [9] Rồi Ngài kết luận: Việc suy gẫm về cái chết làm cho lương tâm trở nên khách quan biết bao! Thật là một phương thuốc tốt cho những cuộc nổi loạn của ý chí và sự kiêu ngạo của lý trí. Hãy yêu mến cái chết, và tin tưởng thưa với Chúa rằng: Như cách Chúa muốn, vào lúc Chúa muốn, và ở nơi Chúa muốn.[10]

Thực tế, cái chết sẽ khó chấp nhận hơn nhiều, nhất là khi nó chạm đến những người ta yêu thương nhất: cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em... Tuy nhiên, với ơn Chúa, trong ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô, Người không bỏ rơi những người mà Chúa Cha trao phó cho Người, chúng ta có thể lấy “nọc độc” ra khỏi cái chết, như Thánh Phaolô đã nói (1 Cr 15,55); chúng ta có thể ngăn chặn để nó không thể đầu độc cuộc sống, để nó không làm tình yêu chúng ta ra hão huyền, không xô chúng ta vào vực thẳm đen tối nhất. [11] Điều hoàn toàn chắc chắn là Chúa muốn chúng ta được ở với Người, để vui hưởng tôn nhan và sự hiện diện của Người. Chúng ta có khuấy động lên niềm hy vọng này mỗi ngày không? Chúng ta có cầu nguyện sốt sắng: “Vultum tuum, Domine, requiram – Thiên nhan Chúa, Lạy Chúa, con hằng tìm kiếm” [12], như Cha chúng ta đã làm không?

Nếu một gia đình Kitô hữu có đức tin sâu sắc, những khoảnh khác mất người thân, dù đi cùng với đau khổ – mà quả thật điều này thường xảy ra – sẽ trở thành cơ hội để tăng cường mối dây liên kết các thành viên trong gia đình lại với nhau.Trong niềm tin đó, chúng ta có thể an ủi nhau, biết rằng Chúa đã chiến thắng sự chết một lần và mãi mãi. Những người thân yêu của chúng ta không bị lạc mất trong bóng tối hư vô: lòng trông cậy đảm bảo với chúng ta rằng họ đang ở trong vòng tay nhân lành và mạnh mẽ của Thiên Chúa. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Vì vậy, hãy để tình yêu lớn lên, làm cho nó mạnh mẽ hơn, và tình yêu sẽ bảo vệ chúng ta cho đến ngày mọi giọt lệ được lau khô, khi “cái chết không còn nữa, và cũng chẳng còn tang tóc, khóc than hay đau khổ nữa” (Kh 21,4). [13]

Quan điểm Kitô giáo này là liều thuốc giải độc thực sự cho nỗi sợ hãi thường tấn công con người khi nhận ra rằng cuộc sống này chỉ là tạm bợ. Tuy nhiên, như cha đã nói, cũng hoàn toàn tự nhiên khi chúng ta đau khổ và khóc thương khi những thân yêu rời bỏ chúng ta. Đức Giêsu Kitô cũng đã khóc trước mộ phần của Lagiarô, người bạn mà Người rất yêu quý, trước khi cho anh sống lại. Nhưng chúng ta cũng không nên cường điệu nỗi đau, vì đối với người Kitô hữu đang sống đức tin, chết có nghĩa là đi dự một hôn lễ. Như Thánh Josemaría đã bình luận: Khi người ta bảo chúng ta: “Ecce sponsus venit, exite obviam ei (Mt 25,6) – Hãy ra đi, kìa Chú Rể đến, chàng đến gặp bạn”, chúng ta hãy xin Đức Mẹ chuyển cầu: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội bây giờ... và trong giờ lâm tử. Và hãy đợi xem! Nụ cười sẽ nở trên môi bạn vào giờ lâm tử! Sẽ không có nhăn nhó sợ hãi, bởi vì vòng tay của Đức Maria sẽ mở ra chào đón bạn. [14]

Khi Chúa gọi về diện kiến Người một người con gái hay con trai của Cha chúng ta, những người vẫn còn trẻ, Ngài “phản đối” trong tình con thảo và trải nghiệm một nỗi đau buồn sâu sắc; tuy nhiên, ngay tức khắc, Ngài chấp nhận Thánh Ý Thiên Chúa, Đấng biết rõ những gì thực sự là tốt nhất cho chúng ta. Ngài cầu nguyện: Fiat, adimpleatur...!. Xin cho Ý Định chính đáng nhất, đáng yêu nhất của Thiên Chúa được thực hiện, được hoàn thành, được ca ngợi và tôn vinh trên tất cả mọi thứ cho đến muôn đời! Amen. Amen. [15] Và Ngài đã được bình an.

Tất cả những suy tư này luôn song hành với ý thức rằng Thiên Chúa toàn năng sẽ phục hồi chúng ta về với sự sống: vita mutatur, non tollitur, cuộc sống thay đổi, chứ không kết thúc. Việc an tâm vì biết rằng chúng ta gần gũi Thiên Chúa, với tất cả những trợ giúp mà Mẹ Hội Thánh dành cho chúng ta trong những giờ phút cuối cùng, sẽ dẫn chúng ta đến lý lẽ này: Lạy Chúa, con tin rằng con sẽ sống lại; Con tin rằng thân xác con sẽ được kết hợp lại với linh hồn con, để vào hưởng vinh quang đời đời với Ngài: nhờ công nghiệp vô biên của Ngài, qua lời cầu bầu của Mẹ Ngài, với lòng ưu ái Ngài đã dành cho con.” [17]

Các con thân mến, chúng ta hãy cố gắng chuyển cho mọi người niềm vui và sự xác tín tưởng đó của đức tin. Chúng ta hãy cầu nguyện mỗi ngày cho những người đang phó dâng linh hồn trong tay Chúa, cầu nguyện cho họ mở lòng đón nhận ân sủng dồi dào mà Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria đầy ơn phúc, ban cho họ vào những khoảnh khắc cuối cùng đó. Chúng ta cũng hãy tiếp tục cầu nguyện cho sự thánh thiện của mọi gia đình trên trần gian, để những đúc kết của phiên họp Thượng Hội Đồng Giám Mục gần đây sẽ thúc giục mọi người trung thành tuân theo những kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong bản chất của hôn nhân và gia đình.

Cha muốn các con suy ngẫm sự khôn ngoan của Hội Thánh, khi Hội Thánh sắp đặt ngày lễ trọng thể kính các Thánh ngay trước ngày tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời. Hãy nếm thưởng niềm vui thiên quốc tràn ngập trong phụng vụ tháng này và suốt cả năm.

Cha chúc lành cho tất cả các con.

Cha của các con,

X Javier

T.B.:Trong vài ngày tới cha sẽ đến Bệnh Viện Đại Học Navarre để trải qua một cuộc phẫu thuật. Cha sẽ hiệp nhất với tất cả các con và cha hy vọng các con sẽ nâng đỡ cha bằng sức mạnh lời cầu nguyện của các con.

Ghi chú:

[1] X. 1 Cr 15,31.

[2] Thánh Josémaria, Con Đường, số 738.

[3] Đức Thánh Cha Phanxicô, Huấn từ trong buổi tiếp kiến chung, 17-06-2015.

[4] X. Kn 1,13.

[5] X. Rm 5,12.

[6] Thánh Josémaria, Luống Cày, số 879.

[7] Giáo lý Hội Thánh Toàn cầu, số 1010.

[8] Thánh Josémaria, Con Đường, số 739.

[9] Thánh Josémaria, Ghi chép trong một buổi suy niệm, 13/12/1948.

[10] Tài liệu đã dẫn.

[11] Đức Thánh Cha Phanxicô, Huấn từ trong buổi tiếp kiến chung, 17/06/2015.

[12] X. Tv 26 [27],8.

[13] Đức Thánh Cha Phanxicô, Huấn từ trong buổi tiếp kiến chung, 17/06/2015.

[14] Thánh Josémaria, chép trong một buổi họp mặt gia đình, 23/06/1974.

[15] Thánh Josémaria, Lò Rèn, số 769.

[16] Sách lễ Rôma, Kinh Tiền tụng lễ cầu cho các linh hồn I.

[17] Thánh Josémaria, Ghi chép trong một buổi suy niệm, 13/12/1948.