Thư Đức Giám quản – tháng 4 năm 2016

“Xét theo một cách nào đó, tha thứ các xúc phạm là điều thiêng liêng nhất con người có thể thực hiện.” Đức Giám quản triển khai đề tài tha thứ trong thư mục vụ tháng 4.

Các con yêu dấu của cha, xin Chúa Giêsu thương giữ gìn các con!

Trong Tuần Thánh, một lần nữa chúng ta lại được đánh động bởi tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thánh Gioan viết: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ. [1]

Chúng ta phải tạ ơn Ba Ngôi Thiên Chúa thế nào cho cân xứng với lòng nhân hậu và thương xót của Người! Và cần phải nhiều hơn thế nữa, nếu chúng ta suy gẫm đến việc khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. [2] Cuộc khổ nạn của Đức Kitô là tột đỉnh của cam kết mà Thiên Chúa đã tự do giao ước với nhân loại. Cam kết đầu tiên là cam kết sáng tạo thế giới, và bất chấp những nỗ lực phá hoại của chúng ta – phải nói là rất nhiều, Thiên Chúa cam kết giữ gìn để nó tồn tại. Nhưng cam kết lớn nhất của Người là cam kết ban cho chúng ta Đức Giêsu. Đó là cam kết vĩ đại của Thiên Chúa! Vâng, Chúa Giêsu đích thực là cam kết tột đỉnh của Thiên Chúa đối với chúng ta. [3]

Để thực hiện lời hứa ấy, lời hứa đã được làm mới liên tục xuyên suốt lịch sử cứu độ, Con Thiên Chúa Nhập Thể đã không chỉ dành cho chúng ta ơn thứ tha tội lỗi bằng cách sống và làm việc giữa chúng ta, mà ngay cả những hành động nhỏ nhất của Người cũng có một giá trị viên mãn để cứu rỗi chúng ta. Người cũng không tự bằng lòng với việc làm trung gian chuyển cầu cho chúng ta, mặc dù Người biết rõ rằng Thiên Chúa Cha luôn nhậm lời cầu nguyện của mình. Người đã chọn đi đến tận cùng, vì không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu. [4]

Cảm động biết bao những lời của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, trong cơn hấp hối trên thập giá! Đầu tiên là: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. [5] Người không hề nghĩ về những nhục hình và đau khổ đang nếm trải, cũng không nghĩ đến sự tàn ác của những kẻ đóng đinh Người, nhưng lại nghĩ về việc họ phản nghịch chống lại Thiên Chúa. Người đã đến để mang lại ơn tha thứ cho chúng ta, và lời đầu tiên của Người là cầu xin lòng thương xót của Chúa Cha. Lời thứ hai, lời đối đáp với người trộm lành cùng bị đóng đinh. Nhìn thấy sự ăn năn chân thành của anh ta, Người hứa với anh ơn tha tội và sự sống đời đời: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. [6] Chúng ta có thể hiểu tại sao Cha Thánh Josemaria thường hôn kính thánh giá với hết lòng sùng mến, đến nỗi những ai nhìn thấy Ngài làm vậy cảm nhận việc đó như một lời mời gọi hoán cải và nói về Chúa Kitô và về gương sang Người đã để lại cho chúng ta.

Thánh Josemaría thấu hiểu sâu sắc các bài học của Chúa Giêsu và Ngài chú giảng về các bài học đó bằng các ví dụ và lời dạy của Ngài. Sự tha thứ. Tha thứ bằng cả trái tim không tì vết oán hận sẽ luôn là thái độ tuyệt vời và mang lại nhiều hoa trái!

Đó là thái độ của Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết họ đang làm gì.” Ơn cứu độ dành cho bạn và tôi đến từ đó.[7] Thật là một mẫu gương siêu việt cho chúng ta! Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta biết khoan dung và tha thứ cho bất cứ ai xúc phạm chúng ta, ngay lập tức và không oán giận.

Xét theo một cách nào đó, tha thứ các xúc phạm là điều thiêng liêng nhất con người có thể thực hiện. Đó không chỉ đơn giản là một việc làm của lòng thương xót; đó còn là điều kiện để Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta, và là lời chúng ta cầu xin Người, như Thầy Giêsu đã dạy trong Kinh Lạy Cha: xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con. [8]

Một trong những thiếu sót to lớn của xã hội hôm nay là việc con người khó tha thứ cho nhau. Các cá nhân và các quốc gia không ngừng nhắc đi nhắc lại những xúc phạm đã chịu, đắm chìm trong vũng lầy nhơ bẩn của ký ức, và không muốn nỗ lực để tha thứ và quên đi. Lời Chúa dạy lại hoàn toàn khác, và rất rõ ràng. Người đúc kết câu chuyện về lòng khoan dung của Thiên Chúa đối với nhân loại bằng những lời sau: Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. [9]

Chúng ta khắc ghi nhiều cảnh trong Tin Mừng cho thấy thái độ của Chúa Giêsu: tha thứ cho người phụ nữ tội lỗi trong nhà ông Simon người Pharisêu, dụ ngôn người con hoang đàng hay con chiên lạc, sự ôn hòa của Chúa đối với người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình... Đây là con đường chúng ta, các Kitô hữu, cần phải theo để trở nên giống như Thầy Giêsu. Cách hành xử của Đức Kitô có thể tóm gọn trong một từ: Yêu. Nếu chúng ta yêu thương, chúng ta phải có một trái tim lớn và chia sẻ những bận tâm của những người xung quanh. Chúng ta phải có khả năng tha thứ và cảm thông; chúng ta phải hy sinh bản thân mình, cùng với Chúa Giêsu Kitô, cho mọi linh hồn. Nếu chúng ta yêu với trái tim của Chúa Kitô, chúng ta sẽ học cách phục vụ người khác và chúng ta sẽ bảo vệ sự thật cách rõ ràng và đầy yêu thương.[10]

Tuy nhiên, như Thánh Josemaría thường nhắc lại, nếu chúng ta yêu thương theo cách ấy, chúng ta cần phải nhổ bỏ tận gốc rễ khỏi đời sống chúng ta mọi thứ rào cản trở sự sống của Đức Kitô trong ta: đó là việc lệ thuộc vào các thoải mái của bản thân, là cơn cám dỗ ích kỷ, là xu hướng muốn làm trung tâm của mọi thứ. Chỉ bằng cách nhận lấy trong ta sự sống Chúa Kitô, chúng ta mới có thể thông truyền sự sống ấy cho người khác. Chỉ bằng cách trải qua cái chết của hạt lúa mì, chúng ta mới có thể làm việc giữa lòng thế giới, biến đổi nó từ bên trong, và làm cho nó sinh nhiều hoa trái.[11]

Cảnh tượng cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu mà chúng ta tái hiện vừa qua đặt ra cho chúng ta một số câu hỏi sâu sắc cần được trả lời cách trung thực. Chúng ta có tha thứ ngay từ giây phút đầu tiên bị xúc phạm – thực ra nhiều khi không phải là xúc phạm mà chỉ đơn thuần là do sự tưởng tượng của chúng ta, được lòng tự ái phóng đại thêm lên? Chúng ta có cố gắng xóa bỏ những xúc phạm đó khỏi tâm trí, và không nhắc đi nhắc lại đề tài đó nữa? Chúng ta có cầu xin Chúa và Mẹ Rất Thánh trợ giúp khi chúng ta nhận ra thật khó tha thứ?

Đó phải là thái độ thường xuyên của chúng ta, bởi vì tha thứ một lần, hai lần, ba lần... vẫn không đủ. Chúng ta nên nhớ câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của Thánh Phêrô: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” [12] – nói cách khác là luôn luôn. Và ngay lập tức, để khắc ghi bài học ấy vào lòng chúng ta, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người đầy tớ độc ác không biết thương xót người đang nợ anh ta một khoản tiền nhỏ, trong khi chủ anh ta đã tha cho anh ta một số tiền kếch xù. [13] Chúng ta hãy nỗ lực hết sức, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này và luôn mãi, hầu hiểu thấu những đòi buộc dành cho người môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Xa tránh dịp tội từ bên ngoài vẫn chưa đủ: chúng ta cần nỗ lực kiềm chế những suy nghĩ và phán xét thiếu bác ái. Hành trình dương thế của chúng ta phải thực sự là một cuộc hành hương đến vinh quang Thiên Đàng, và Chúa Giêsu Kitô đã chỉ cho chúng ta thấy các chặng đường để đạt đến đích điểm ấy. Trong Tông sắc Misericordiæ Vultus, Đức Thánh Cha giải thích một trong những chặng đường ấy với những lời chú giải về Lời Chúa: Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. [14]

Đức Thánh Cha viết: Trên tất cả, đừng xét đoánđừng lên án. Nếu muốn tránh bị Thiên Chúa phán xét, đừng nên phán xét anh chị em. Khi phán xét, con người không nhìn xa hơn bề mặt, trong khi Chúa Cha nhìn vào tận sâu thẳm tâm hồn. Lời nói làm tổn thương biết bao khi chúng bị thôi thúc bởi cảm xúc giận hờn và ghen tức! Nói xấu người khác là đặt họ vào một lăng kính tệ hại, hủy hoại danh tiếng và làm cho họ thành con mồi của các lời đồn thổi. Theo hướng tích cực, không xét đoán và không lên án có nghĩa là biết đón nhận những điều tốt đẹp nơi mỗi con người và không làm người khác phải chịu đau khổ vì những phán xét thiên vị hay vì thói tỏ ra biết tất cả của chúng ta. Tuy nhiên điều đó vẫn chưa đủ để diễn tả lòng thương xót. Chúa Giêsu còn đòi hỏi chúng ta phải tha thứcho đi; phải trở nên khí cụ của sự tha thứ vì chính chúng ta đã được nhận ơn tha thứ từ Thiên Chúa; phải quảng đại với hết mọi người vì ta biết rằng Thiên Chúa luôn tuôn đổ sự tốt lành của Người trên chúng ta với một lòng quảng đại bao la. [15]

Chúng ta còn thấy một khía cạnh khác của sự tha thứ Kitô giáo: đó là xin người khác tha thứ cho ta ngay khi ta nhận ra mình đã xúc phạm họ. Đó không phải là sự mất mặt, nhưng ngược lại, đó là dấu chỉ của một tâm hồn quảng đại, một trái tim vĩ đại. Về điểm này, Thánh Josemaría cũng nêu gương cho chúng ta. Ngài rất dễ dàng xin tha thứ, được thúc đẩy bởi một lòng khiêm nhường chân thành, khi Ngài thấy ai đó có thể bị tổn thương vì lời khiển trách của Ngài, cho dù đó là lời khiển trách chính đáng! Có lần, Cha Thánh thú nhận rằng Ngài thường xin Chúa tha thứ cho những thiếu quảng đại trong lời đáp trả của bản thân. Ngài còn thêm: Tuy nhiên, cha cũng có thể đảm bảo với các con rằng cha đã trao tặng cho các con những điều tốt nhất nơi bản thân cha. Cha đã cố gắng trao lại cho các con với lòng tín trung tột độ những gì Chúa đã ban cho cha; và mỗi khi cha không làm như vậy, cha thừa nhận tức khắc sai lầm của cha, cha xin Chúa và những người ở bên cha tha thứ, và rồi cha lại tiếp tục chiến đấu.[16]

Ngày 20 tháng 4 này đánh dấu một năm nữa cha lãnh nhận sứ vụ phục vụ Hội Thánh trong cương vị Giám quản Opus Dei. Và vào ngày 23 tháng 4, cha sẽ truyền chức linh mục cho một nhóm lớn các anh em của các con, các Phó tế trong Giáo đoàn. Hãy cầu nguyện thật nhiều cho những người anh em ấy và cho cha, cũng như cho tất cả các linh mục trong Hội Thánh. Hãy luôn sống consummati in unum [17] hoàn toàn nên một, kết hợp mật thiết trong cầu nguyện, trong các ý nguyện và hành động, để Chúa tiếp tục dủ lòng thương xót chúng ta. Chúng ta cũng luôn nhớ cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và mọi ý nguyện của Ngài.

Cha thương ban phúc lành cho tất cả các con.

Cha các con,

X Javier

Roma, ngày 1 tháng 4 năm 2016

_____________________

Ghi chú:

[1] Ga 3, 16-17.

[2] Rm 5, 6.

[3] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Phát biểu tại buổi tiếp kiến chung, 20/02/2016.

[4] Ga 15, 13.

[5] Lc 23, 34.

[6] Sách đã dẫn, 43.

[7] Thánh Josémaria, Luống Cày, số 805.

[8] Mt 6, 12.

[9] Mt 5, 7.

[10] Thánh Josémaria, Khi Đức Kitô đi ngang qua, số 158.

[11] Sách đã dẫn.

[12] Mt 18, 21-22.

[13] X. Mt 18, 23-35.

[14] Lc 6, 37.

[15] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, 11/04/2015, số 14.

[16] Thánh Josémaria, Ghi chép trong một buổi suy niệm, 29/03/1959.

[17] Ga 17, 23.