​Thư Đức Giám quản – tháng 9 năm 2015

“Không thể có niềm vui sâu xa nếu niềm vui ấy không được bắt nguồn từ hy sinh của Đức Giêsu trên Thập Giá”. Đức Cha Xavier Echevarria đã diễn tả như vậy trong thư mục vụ tháng 9. Ngài mời gọi chúng ta gia tăng cầu nguyện cho gia đình trong những tuần lễ này.

Các con yêu dấu của cha: Xin Chúa Giêsu gìn giữ các con!

Cha viết cho các con thư này sau chuyến đi mục vụ tại Cộng hòa Dominic, Trinidad-Tobago và Colombia, và trước khi cha lên đường đi Torreciudad để truyền chức cho ba người con của cha trở thành Linh mục thành viên của Giáo phận Tòng nhân chúng ta. Cha cũng sẽ tham dự Ngày Gia Đình Đức Mẹ. Trước tiên, cha muốn chia sẻ với các con niềm vui và tâm tình cảm tạ Thiên Chúa vì những hoa trái thiêng liêng phong phú cha đã nhìn thấy trong suốt chuyến đi vừa qua. Cha đã học biết được nhiều điều và cha nhớ đến các con mỗi ngày. Khi chiêm ngắm những việc tông đồ tại các quốc gia đó, cha đã nghĩ đến những từ này của Thánh Josemaria: “ẩn giấu và biến mất”. Quả thật, chính bằng cách thế đó mà mọi việc đã bắt đầu ở những nơi ấy, và sau đó với lời nguyện cầu đầy tin tưởng của những người đến sau. Các con có thể thấy Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Maria đầy ơn phúc và của Cha Sáng lập, đã dẫn dắt sự phát triển của Hội, và Ngài vẫn hằng làm thế.

Chúng ta hãy tiếp tục cậy nhờ Mẹ chúng ta trong những tháng ngày còn lại của Năm Thánh Mẫu này. Chúng ta hãy cầu nguyện thiết tha trong tháng này, đặc biệt cho Ngày Gia Đình Thế Giới được tổ chức ở Philadelphia, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha; và cho những sự kiện tại Torreciudad vào ngày 5 tháng 9. Cha mời gọi các con khẩn cầu đặc biệt với Cha Don Alvaro yêu dấu của chúng ta. Vào ngày 15 tháng 9, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, chúng ta sẽ dâng lễ tạ ơn mừng kỷ niệm ngày Ngài được tuyển chọn kế vị Cha Thánh. Thật phải lẽ khi chúng ta tin tưởng vào lời cầu nguyện của Cha Don Alvaro bên cạnh các Đấng Bảo trợ khác, vì Ngài vốn ủng hộ rất hiệu quả việc tông đồ trong lãnh vực gia đình.

Trong tháng 9, cha muốn nhắc các con hai điểm chính trong đời sống người Kitô hữu, không thể tách rời nhau nhưng phải đâm rễ sâu trong đời sống mỗi cá nhân, đó là: Thánh Giá và niềm vui. Quả thật, không thể có niềm vui sâu xa nếu niềm vui ấy không được bắt nguồn từ hy sinh của Đức Giêsu trên Thập Giá. Phụng vụ diễn tả điều này qua Lễ Suy tôn Thánh Giá vào ngày 14 tháng 9, nhắc chúng ta nhớ về sự ứng nghiệm lời nói của Đức Giêsu: “Khi tôi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” [1]

Chính vào ngày lễ đó năm 1938, Thánh Josemaría đã viết:Với hết cả sức lực linh hồn mình, tôi đã xin Chúa ban cho tôi ân sủng để tôn vinh Thánh Giá nơi mọi cơ năng và giác quan... Mội đời sống mới! Một dấu ấn xác nhận căn tính của sứ mệnh tôi ... Josemaría, lên Thập Giá! Chúng ta sẽ thấy, chúng ta sẽ thấy. [2] Hiệp với lời cầu xin của Cha chúng ta dâng lên Thiên Chúa, chúng ta hãy thành tâm cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn được giương cao Thánh Giá trong tâm hồn và thân xác chúng ta, nơi mọi cơ năng và giác quan của chúng ta. Chúng ta không sợ hãi! Vì việc được ở gần Thập Giá, gần Chúa Kitô trên Thập Giá, như Thánh Josemaria thường nói, đong đầy trong ta sự bình an và thanh thản, mặc dù thoạt tiên chúng ta có thể sẽ chống đối một chút. Vì vậy đây là lúc để nhớ lại những lời trong Con Đường: Chúa ơi, Chúa muốn điều đó ư? Vậy thì ... con cũng muốn![3]

Chúng ta hãy cố gắng biến khát vọng này thành lời nói và hành động bằng cách yêu mến hy sinh, kể cả khi nó đến bất ngờ, và bằng cách chủ động tìm kiếm nó trong những điều nho nhỏ mỗi ngày. In laetitia, nulla dies sine cruce: Lạy Chúa, chúng con không muốn ngày nào trôi qua mà không có Thập Giá, trong niềm vui và bình an.

Chúng ta hãy xem có thể sống với thực tế này như thế nào. Khi cái tôi của chúng ta trỗi lên nổi loạn và chúng ta nhận ra mình cần phải từ bỏ bản thân, chúng ta có vui vẻ làm điều đó không? Chúng ta có hiểu rằng chúng ta cần có thái độ đó khi phục vụ tha nhân vì Chúa, và đó chính là dấu hiệu chắc chắn của tình yêu đích thực? Chúng ta có hiểu rằng để theo sát Chúa Giêsu, chúng ta phải vượt qua mọi cung cách cho thấy rằng chúng ta nghĩ về bản thân mình nhiều quá không?

Để Opus Dei đến với thế giới, Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Cha chúng ta (cũng như Người hằng muốn dẫn dắt chúng ta) đi theo những nẻo đường hãm mình và sám hối. Đừng ngăn chặn những đòi hỏi thiêng liêng này. Chúng ta hãy xin Chúa giúp mình nên giống Chúa Kitô chịu đóng đinh: đó là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực. Hãy tự hỏi: Ta có yêu mến Thánh Giá không? Ta có tìm kiếm Thánh Giá trong cuộc sống hằng ngày không? Ta có cảm nhận một niềm vui thiêng liêng khi Chúa Giêsu đến bên chúng ta và yêu cầu chúng ta từ bỏ một cái gì đó? Ta có nghe theo những gợi ý của Người trong đời sống đạo đức, trong công việc hoặc trong các mối tương quan với tha nhân? Đó là những câu hỏi cha đặt cho các con và cũng tự hỏi bản thân mình.

Điều quan trọng là ta phải áp dụng những điều này không chỉ trong cách ứng xử của bàn thân, mà còn trong gia đình, trong những các trung tâm của Hội, và trong mọi môi trường sống hằng ngày của ta. Việc sống với người khác cung cấp cho chúng ta rất nhiều cơ hội mài dũa những góc cạnh thô ráp trong tính cách. Cha không đề cập đến những sự khác biệt nhỏ nhặt, dĩ nhiên không thể tránh khỏi, nảy sinh lúc này lúc khác, khi sống chung với nhau; những khác biệt ấy có thể giải quyết bằng lời xin lỗi. Nhưng cha muốn đề cập đến những vết thương sâu hơn có thể nảy sinh trong gia đình.

Đức Thánh Cha cảnh báo chúng ta về một mối nguy hiểm xuất phát từ bầu không khí tệ hại nơi các gia đình. Khi những vết thương đó, vẫn còn có thể cứu chữa được, bị bỏ qua, chúng sẽ trở nên trầm trọng hơn: chúng biến thành ngạo mạn, thù địch và khinh bỉ. Khi ấy, chúng có thể trở thành những vết thương sâu hoắm, gây chia rẽ vợ chồng, và khiến họ đi tìm kiếm sự thấu hiểu, nâng đỡ, và an ủi nơi khác. Và thường thì những “nâng đỡ” đó không đem lại điều gì tốt đẹp cho gia đình! [4]

Liệu pháp khắc phục đối với các tình huống như vậy, để ngăn chặn việc các vết thương trở nên xấu đến độ hết thuốc chữa, nằm trong tầm tay của mọi người, với ơn Chúa giúp. Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần nhắc lại điều đó, bằng ba từ: xin vui lòng, cám ơn, xin lỗi. [5]

Yêu cầu bằng câu “xin vui lòng”, không đòi hỏi , không hối thúc, chính là một liều “vắc-xin” phòng ngừa xung đột, không chỉ giữa vợ chồng, mà còn trong các mối tương quan với con cái và các thành viên khác trong gia đình. Có một câu tiếng Tây Ban Nha rằng: “Một thìa mật ong được việc hơn một thùng mật đắng”. Hơn nữa, nên nhớ rằng mọi thứ trong cuộc sống chúng ta đã được cho không. Chúng ta đã chẳng làm gì để xứng đáng với sự sống mình nhận được, hoặc với gia đình nơi chúng ta lớn lên, hoặc với những tặng phẩm tự nhiên và siêu nhiên chúng ta nhận được... Vì vậy, chúng ta phải tạ ơn vì những điều ấy. Tương quan với tha nhân sẽ nên dễ dàng biết bao khi chúng ta học cách nói “cảm ơn” cách chân thành vì những điều có thể rất nhỏ bé; điều đó cho thấy tình mến thực sự và sự sẵn sàng quảng đại phục vụ! Và khi chúng ta sai lỗi, vì ích kỷ, thô bạo, hoặc thiếu tế nhị, hãy đi xin lỗi; việc đó không có gì nhục nhã, ngược lại: nó cho thấy sự vĩ đại của tâm hồn.

Cha tạ ơn Thiên Chúa vì trong Hội, chúng ta đã học được tinh thần này từ Cha Thánh. Ngài đã bảo: Chúng ta phải bỏ túi tính khí của mình, và vì lòng mến Chúa Kitô, hãy mỉm cười và làm cho cuộc sống của những người sống quanh ta trở nên thoải mái hơn. [6] Và Ngài đã cho các đôi vợ chồng một số lời khuyên có thể áp dụng cả cho các mối quan hệ khác: Vì là con người, đôi khi, chúng ta sẽ cãi nhau, nhưng chỉ một chút thôi. Rồi một trong hai bên nhận ra rằng mình đã sai và bảo người kia: “Hãy tha thứ cho anh/em”. Sau đó, cả hai ôm hôn nhau ... và mọi việc tại tiếp tục! Tuy nhiên, phải chứng tỏ cho mọi người thấy là tụi con sẽ không sớm lại cãi nhau. [7]

Cha quay trở lại với những gì cha đã nói ở phần đầu bức thư này. Chúng ta phải là những con người của đức tin. Có rất nhiều người không hiểu nguyên tắc này: họ phải yêu mến Thánh Giá. Điều đó không làm chúng ta nản lòng. Dù chúng ta có thể đang làm việc trong một góc khuất, hay chúng ta hầu như không thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác, chúng ta hãy nhớ rằng những nỗ lực của chúng ta để tôn vinh Chúa Kitô bằng các cơ năng và các giác quan của chúng ta, trong tâm hồn và thân xác chúng ta, sẽ mang lại những kết quả không thể tưởng tượng: bởi vì chính Thiên Chúa ban sự sống cho thế gian này, khi sử dụng những khí cụ nghèo hèn là mỗi người chúng ta. Các con thân mến, đừng đứng bên lề đường. Như Cha Thánh hay nói: Đã đến lúc đến cùng Thánh Giá và lặp lại bằng hết sức lực tiếng kêu lên Thiên Chúa khi ta ôm hôn Thánh Giá: Chúa ơi, xin Ngài hãy xuống khỏi Thập Giá; đã đến lúc con cần được treo lên đó.

Có lẽ những câu hỏi sau đây thường đến trong tâm trí chúng ta: Ngày nay, Chúa Giêsu sẽ làm gì? Tinh thần hy sinh của Người như thế nào? Tôi tin rằng rằng những Thập Giá nho nhỏ của chúng ta, của bạn và tôi, nếu chúng ta đón nhận với quyết tâm và niềm vui, hạnh phúc vì đã khám phá ra nó, nó sẽ trở nên liều thuốc khử trùng những vết thương của thế giới hôm nay. Chẳng có gì bi quan ở đây: Với Chúa Kitô, chúng ta khao khát làm cho những ai ở xa Chúa được nếm thử Người. Như vậy, chúng ta sẽ giúp làm cho xã hội tốt hơn và góp phần hàn gắn các gia đình. Chúng ta tin tưởng cầu nguyện Đức Mẹ cho điều này, đặc biệt vào ngày 8 tháng 9, khi chúng ta kỷ niệm sinh nhật Mẹ.

Với tất cả trìu mến, cha chúc lành cho các con và xin các con cũng cầu nguyện cho Thượng Hội đồng Giám mục sắp đến.

Cha của các con,

X Xavier

Pamplona, ngày 1tháng 9 năm 2015


Ghi chú:

[1] Ga 12, 32

[2] Thánh Josémaria, Ghi chép Cá nhân (14/09/1938); trong Vazquez de Prada, A., “Đấng Sáng lập Opus Dei”, II.

[3] Thánh Josémaria, Con Đường, số 762.

[4] Đức Thánh Cha Phanxicô, Triều yết chung, ngày 24/06/2015

[5] X. Đức Thánh Cha Phanxicô, Triều yết chung, ngày 13/05/2015

[6] Thánh Josémaria, Ghi chép trong một buổi họp mặt gia đình, 04/06/1974

[7] Tài liệu đã dẫn.