Thư Đức Giám Quản – Tháng 9 Năm 2016

Khi chiêm ngắm Thánh Giá với lòng tin, chúng ta sẽ thấy rằng “thứ dụng cụ tra tấn thể hiện sự phán xét của Thiên Chúa đối với thế gian vào ngày thứ sáu Tuần Thánh ấy đã trở thành suối nguồn của sự sống, tha thứ, lòng thương xót, là dấu chỉ của hòa giải và bình an.”

Các con thân yêu, xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con!

Tháng Chín đã về, và Giáo Hội, là Mẹ và là Thầy, mời gọi chúng ta đi sâu hơn nữa vào những hoa trái của ơn cứu chuộc. Vào ngày 14 tháng 9, lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo Hội nhắc chúng ta rằng Thánh Giá, trên đó Chúa Giêsu đã hiến dâng mạng sống mình để cứu độ trần gian, chính là ngai tòa chiến thắng và vinh quang: Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi. [1] Vào ngày tiếp theo, lễ nhớ Đức Maria đứng dưới chân Thập Giá vẽ lại sống động trước mắt chúng ta cách thức Đức Trinh Nữ, là Evà mới, kết hiệp với Đức Kitô, là Ađam mới, cộng tác cách ưu việt vào công cuộc cứu rỗi các linh hồn. Khi chiêm ngắm Thánh Giá với lòng tin, chúng ta sẽ thấy rằng “thứ dụng cụ tra tấn thể hiện sự phán xét của Thiên Chúa đối với thế gian vào ngày thứ sáu Tuần Thánh ấy đã trở thành suối nguồn của sự sống, tha thứ, lòng thương xót, là dấu chỉ của hòa giải và bình an.” [2]

Những ngày lễ phụng vụ này mời gọi chúng ta tự vấn bản thân về cách chúng ta đáp trả mỗi ngày với huyền nhiệm đau khổ mà chúng ta gặp phải trên đường đời. Tuy nhiên, đôi khi chỉ những gì thỏa mãn các giác quan của chúng ta hoặc những gì làm cho cái tôi của chúng ta hạnh phúc thì chúng ta xem là “thành công”, còn những thất bại, những điều xảy ra không như chúng ta mong muốn, hoặc những thứ mang lại đau khổ thể xác hay tâm hồn, thì chúng ta lại xem là “thất bại”. Hãy cố gắng vượt qua tư duy sai lầm ấy, bởi vì, như Thánh Josemaría viết:Thành công hay thất bại nằm trong đời sống nội tâm. Thành công có nghĩa là chấp nhận Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô một cách an nhiên, với đôi tay giang rộng, vì đối với Chúa Giêsu và với chúng ta, Thánh Giá là một ngai tòa, đó là sự tán dương tình yêu; đó là tột đỉnh của hiệu quả cứu chuộc, để mang các linh hồn về với Thiên Chúa, để mang họ trở về theo cách thức của người giáo dân chúng ta: qua các cuộc trò chuyện, qua tình bạn, công việc, lời nói, giáo lý, cầu nguyện và hy sinh hãm mình của chúng ta.[3]

Quan sát cách con người chạy trốn Thánh Giá, đáng buồn thay là trong khá nhiều lãnh vực như chúng ta thấy, chúng ta có thể tự hỏi mình dựa theo gợi ý của Đức Giáo Hoàng: Tôi đang làm gì trong cuộc lữ hành của người Kitô hữu khởi đi từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội? Hay tôi đang dậm chân tại chỗ? (...) Hay tôi đang dừng lại trước những điều tôi yêu thích: thế gian, phù hoa? Hay tôi luôn tiến về phía trước, bằng cách thực hành các mối phúc và các việc làm của Lòng Thương Xót? Bởi vì cách thức của Chúa Giêsu đầy an ủi, vinh quang và cũng là Thánh Giá. Nhưng luôn luôn với sự bình an trong tâm hồn chúng ta. [4]

Trong số các việc làm của lòng thương xót, mà chúng ta đang cố gắng để thực hiện cách đặc biệt hơn trong Năm Thánh này, có một việc vừa mang tính thể xác vừa mang tính siêu nhiên. Cha muốn nói về việc chăm sóc người già và người bệnh. Nó không chỉ bao gồm việc giải quyết các nhu cầu vật chất của họ, nhưng luôn có một khía cạnh siêu nhiên – đó là giúp họ khám phá, trong đau khổ hay cô đơn, một cơ hội kết hiệp liên lỉ với Chúa Kitô trên Thánh Giá.

Chăm lo cho bệnh nhân luôn là một nét đặc trưng trong cuộc lữ hành dương thế của Chúa Giêsu. Như Thánh Matthêu kể lại, đó là một trong những minh chứng rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. [5] Các Thánh sử tường thuật về việc này rất nhiều lần. Đôi khi đó là những con người cụ thể xin ơn chữa lành cho bản thân hoặc cho người thân – viên bách quản tại Caphanaum nài xin Đức Giêsu chữa cho người đầy tớ bị bệnh; một số người bạn đã cáng một người bại liệt đến trước mặt Chúa; Mátta và Maria đã hối thúc Chúa đến Bêtania để phục hồi sức khỏe cho người em trai đang ốm nặng; Báttimê hét lên khi Chúa đi ngang qua con đường dẫn về Giêricô, nài xin Người rủ lòng thương xót và chữa anh khỏi mù... Những lần khác thì chính Đức Giêsu đã đi bước trước: Ra khỏi thuyền, Người nhìn thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương và chữa lành bệnh cho họ [6]; nhìn thấy một người đàn ông bị bại liệt bên hồ Bếtdatha, Người hỏi anh ta: Anh có muốn được chữa lành không? [7]; Người còn làm cho con trai bà góa thành Naim sống lại. [8]

Rất nhiều lần đám đông dân chúng mang người thân và bạn bè bị bệnh đến với Chúa Giêsu. Thánh Mátthêu kể lại rằng Chúa Giêsu đi dọc theo biển hồ Galilê. Rồi Người lên núi và ngồi xuống đó. Có những đám người đông đảo kéo đến với Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, câm điếc, tàn tật và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những người đó dưới chân Người, và Người chữa lành cho họ, khiến đám đông kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được chữa lành, người què đi được, người mù được xem thấy; và họ tôn vinh Thiên Chúa của Israel. [9]

Hiển nhiên, các phép lạ của Chúa Giêsu không nhằm mục đích chỉ để chữa các bệnh tật thể lý, nhưng còn để truyền tải ân sủng cho các tâm hồn. Điều này được thể hiện trong việc chữa lành người đàn ông bị mù từ lúc mới sinh. Các môn đệ nghĩ, như tư tưởng phổ biến thời đó, người đàn ông bị mù do hậu quả của tội lỗi; nhưng khi họ hỏi Chúa Giêsu về điều đó, Người trả lời: Đó không phải anh ta, hay cha mẹ anh ta đã phạm tội, nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. [10]

Sách Công Vụ Tông Đồ, vào nhiều lúc khác nhau, khắc họa cho chúng ta bức tranh hoạt động của Giáo Hội tiên khởi. Bấy giờ nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân nhờ bàn tay các tông đồ (...) người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố, và đặt trên giường và trên chõng, để khi ông Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. [11]

Đau khổ, thương tích, bệnh tật có thể mang con người đến gần Thiên Chúa hơn nếu họ chấp nhận những điều đó bằng một tinh thần siêu nhiên. Nhưng chúng cũng có thể khiến con người xa rời Thiên Chúa, khiến họ nổi loạn. Cha của chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm, cả kinh nghiệm cá nhân lẫn trong lịch sử Opus Dei, về tính hiệu quả của những đau khổ thể xác và tinh thần khi kết hợp chúng với Thánh Giá của Chúa Giêsu. Với lòng tri ân Thiên Chúa và lòng biết ơn dành cho vô số người đã đáp trả theo cách thức đó, Cha Thánh nói: Ngay từ khởi đầu, chúng ta đã được nên phong phú nhờ lời cầu nguyện của rất nhiều bệnh nhân, những người đã dâng những đau khổ của mình cho Opus Dei.[12] Ngày nay cũng vậy, các việc tông đồ được tiếp nối dựa trên nền tảng sự quảng đại của biết bao bệnh nhân và những người cố gắng biến đau khổ thành lời cầu nguyện cho Giáo Hội, Đức Thánh Cha và các linh hồn.

Chúng ta phải chăm sóc mọi bệnh nhân cách chu đáo, với lòng biết ơn, trìu mến và với sự chăm lo về thể xác lẫn linh hồn. Chúng ta nài xin Thiên Chúa ban cho các bệnh nhân sức khỏe nếu điều đó tốt cho linh hồn họ; nếu không, thì xin ban cho họ có khả năng đối mặt cách vui vẻ với bệnh tật, với những đau yếu của tuổi già, hoặc với bất cứ đau khổ nào họ đang phải đối mặt, luôn luôn với niềm vui siêu nhiên vì biết rằng họ đang góp phần để mang công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô đến cho các linh hồn.

Vác Thánh Giá với lòng trung thành. Vác Thánh Giá với niềm vui, vì Chúa chúng ta sẽ không ưng thuận những tự hiến miễn cưỡng, không vui: hilarem Enim datorem diliget Deus (2 Cr 9,7), Thiên Chúa yêu thương người cho đi cách vui vẻ. Vác Thánh Giá với phong thái thanh thản, vì chúng ta không sợ sống và không sợ chết; cũng không sợ Thiên Chúa, Đấng là Cha chúng ta.[13] Đồng thời, với ý thức nhân văn sâu sắc đặc trưng của mình, Cha Thánh bảo:Khi có thể làm giảm bớt những nỗi đau thể xác, chúng ta phải làm giảm bớt. Quá đủ đau khổ trong cuộc đời này rồi! Còn khi không thể làm giảm bớt, chúng ta hãy dâng hiến chúng.[14]

Để hiểu được thái độ đậm tính Kitô này, chúng ta cần phải tiếp cận với cái nhìn của vị Mục Tử Nhân Lành. Chỉ có khởi đi từ chiều kích của những tình cảm tự nhiên, chúng ta mới có thể trân quý sức sống thần học hiện diện trong lòng đạo đức của người Kitô hữu (...) Tôi nghĩ đến niềm tin kiên định của những bà mẹ chăm sóc con ốm, mặc dù có lẽ chẳng mấy thông thạo các tín điều, nhưng tay không rời tràng hạt Mân Côi; hoặc những ngọn nến thắp lên với lòng trông cậy trong những mái nhà đơn sơ cùng lời nài xin sự hộ phù của Đức Maria; hoặc những ánh mắt yêu thương trìu mến nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh. [15]

Khi bị bệnh, hoặc bị gặp các đau khổ khác, chúng ta cũng nên khuyên những người thân cận điều này, đó là hãy đi gặp bác sĩ và tuân theo những lời khuyên dành cho chúng ta để có thể áp dụng kịp thời các biện pháp thích hợp. Như vậy, chúng ta mới tránh được những rối loạn tâm thần về bị bệnh. Cha thường hay nghe Cha Thánh nói rằng, giống như không ai là thánh trên trần gian này, không ai là khỏe mạnh mãi mãi đâu! Mỗi chúng ta đều trải qua những lúc ốm đau, thậm chí bệnh nặng; thực tế đó thúc đẩy chúng ta phó thác bản thân với lòng tin tưởng trong bàn tay quan phòng của Chúa chúng ta, cũng như đặt mình vào tay những người có thể giúp chúng ta.

Các con của cha, chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn vì những lời khuyên đó của Cha Thánh Sáng lập, bởi vì làm công việc của Chúa không chỉ là một cụm từ đẹp đẽ. Nó còn là một lời mời gọi từ bỏ chính mình vì Yêu. Bản thân chúng ta phải chết đi và được tái sinh vào một cuộc sống mới. Chúa Giêsu Kitô đã vâng phục theo cách ấy, thậm chí cho đến chết trên Thập Giá; đó là lý do tại sao Thiên Chúa đã siêu tôn Người (Pl 2, 8-9). Nếu chúng ta vâng theo thánh ý Thiên Chúa, Thánh Giá sẽ là sự sống lại và vinh quang của chính chúng ta. Từng bước một, sự sống của Đức Kitô sẽ triển nở trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta được mời gọi cố gắng trở nên những người con thảo của Thiên Chúa, Đấng luôn muốn điều tốt lành cho chúng ta dù bản thân ta yếu đuối và nhiều thiếu sót đến đâu đi nữa.[16]

Chúng ta cũng đừng ngừng chiêm ngắm Chân phước Alvaro rất yêu quý của chúng ta, người đã học cách yêu mến sức khỏe cũng như bệnh tật với niềm hân hoan. Khi chúng ta nhớ Ngài vào ngày 15 tháng 9, ngày kỷ niệm Ngài được chọn làm người kế vị Thánh Josemaría, hãy cầu xin Ngài hộ phù mỗi người chúng ta.

Cha biết các con cũng sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất ở Ý và các thiên tai khác khắp nơi trên thế giới; hãy nuôi dưỡng tình huynh đệ với toàn thể nhân loại.

Trong ba ngày nữa, tại đền thờ Đức Mẹ ở Torreciudad, cha sẽ truyền chức linh mục cho sáu phó tế, là các thành viên Associate của Opus Dei. Hãy cầu nguyện cho họ và cho tất cả linh mục trên toàn thế giới, cho Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục, để Chúa Thánh Thần đổ muôn ơn phúc xuống trên tất cả chúng ta và làm cho chúng ta nên thánh thiện. Cùng ngày đó, chúng ta cũng sẽ hiệp chung niềm vui với Giáo Hội trong lễ tuyên phong hiển thánh Chân phước Têrêsa Calcutta, người đã rất quý mến Opus Dei.

Cha yêu mến và chúc phúc lành cho tất cả các con.

Cha của các con,

X Javier

______________________________

Ghi chú:

[1] Ga 12, 32

[2]Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, bài giảng ngày 14/09/2008

[3] Thánh Josémaria, Thư tín ngày 31/05/1954, số 30

[4]Đức Giáo Hoàng Phanxicô, bài giảng ở nhà nguyện Thánh Mátta ngày 03/05/2016

[5]Mt 8, 16; x. Is 53, 4

[6]Mt 14, 4

[7] Ga 5, 6

[8]X. Lc 7

[9]Mt 5, 29-31

[10]Ga 9, 3

[11] Cv 5, 12-15

[12]Thánh Josémaria, Ghi chép từ một buổi họp mặt gia đình

[13] Thánh Josémaria,Thư tín ngày 31/05/1954, số 30

[14]Thánh Josémaria, Ghi chép từ một buổi họp mặt gia đình, ngày 01/01/1969

[15]Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 24/11/2013

[16]Thánh Josémaria,Bạn của Chúa, 21