Thư Đức Giám Quản - tháng 5 năm 2013

Trong thánh kính Đức Maria này, chúng ta hãy để « tay Mẹ, Mẹ của chúng ta, luôn dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ, và qua Người và với Người, dẫn chúng ta đến với Chúa Thánh Thần và đến Thiên Chúa Cha. »

Các con thân mến,

Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Tháng năm là thời gian rất phong phú các lễ phụng vụ và lễ sinh nhật trong Opus Dei. Chúng ta ao ước sống thời gian này dưới sự dẫn dắt của Đức Maria. Mẹ là Mẹ chúng ta, Đấng luôn dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ, và qua Người và với Người, dẫn chúng ta đến với Chúa Thánh Thần và Chúa Cha. Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy xin Mẹ đồng hành cùng chúng ta, luôn cầu bầu cho chúng ta thật nhiều ân sủng để chúng ta sẵn sàng vâng lời Chúa Thánh Thần – như Mẹ đã từng vâng lời Người – để chúng ta nên giống Chúa Giêsu Kitô, Con của Mẹ, hơn.

Trong những tuần lễ sau cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng ta đã thấy ước muốn canh tân nội tâm ở rất nhiều người. Nhiều người trong họ đã thể hiện cách công khai việc cần thiết phải trở lại, hoặc lãnh nhận Bí tích Hoà Giải thường xuyên hơn. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì những ân huệ đó bằng cách tận dụng chúng. Đồng thời, chúng ta hãy giúp người thân, bạn bè, đồng nghiệp hoặc đồng môn, quyết tâm sống mỗi ngày – như chúng ta cũng phải làm – một đời sống Kitô hữu hoàn toàn xứng hợp với đức tin mà chúng ta tuyên xưng.

Chúng ta tiếp tục suy ngẫm các điểm trong Kinh Tin kính bằng cách đi sâu vào mầu nhiệm Thăng Thiên của Đức Giêsu. Quả thật, chúng ta tin rằng một khi sống lại, Đức Giêsu Kitô lên trời ngự bên hữu Chúa Cha [1]. Tầm quan trọng của biến cố trọng thể này, mà chúng ta cử hành vào thứ năm 9/5 (hoặc vào Chúa nhật 12/5 trong các quốc gia mà lễ này được dời đi) mời gọi chúng ta nghĩ đến cái kết cục hạnh phúc mà chúng ta được kêu gọi vào. Sự thật này nhắc nhở chúng ta một sự kiện lịch sử và một sự kiện của lịch sử cứu độ. Là sự kiện lịch sử, việc Chúa lên trời “đánh dấu việc nhân tính của Đức Giêsu vĩnh viễn đi vào vào thượng giới của Thiên Chúa, từ nơi đó Người sẽ trở lại, nhưng trong lúc chờ đợi thì đang bị che giấu trước mắt loài người” [2]. Ngày nay, Người đang hiện diện trong Thánh Thể, một cách bí tích, nhưng chỉ ở trên Trời chúng ta mới thấy được Người như Người là. Chính từ Trời Người sẽ trở lại vào ngày tận cùng, đầy uy quyền và vinh quang, để xét xử tất cả mọi người.

Thánh Luca đã tường thuật sự kiện Chúa Lên Trời một cách chi tiết nhất. Ngài đã viết trong sách Tông đồ Công vụ rằng Chúa Giêsu dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. [3] Ngài còn kể lại rằng trong một lần hiện ra, Thiên Chúa mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: ‘Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này’.” [4]

Thánh Josémaría từng gợi lại những khung cảnh đó trong nhiều cuộc họp mặt gia đình mà ngài thường có với rất nhiều người. Trong một dịp như vậy, ngài đã mời gọi những người có mặt nhìn ngắm Chúa sau khi Phục sinh, khi Người nói rất nhiều điều, tất cả những gì các môn đệ hỏi Người. Chúng ta hiện cũng bắt chước Chúa, vì chúng ta là môn đệ của Người, và chúng ta trao đổi với nhau rất nhiều điều. [5] Một lần khác ngài nói thêm: Người trò chuyện với họ, như chúng ta đang trò chuyện với nhau ở đây: cũng giống y như vậy! Đó chính là chiêm ngắm: trò chuyện với Chúa. Chiêm ngắm Chúa và trò chuyện với Người làm gia tăng nơi chứng ta lòng nhiệt thành với các linh hồn, niềm khao khát đưa đến với Chúa Kitô những người đã lìa xa Người. [6]

Nhưng chúng ta hãy trở lại với Lễ Thăng Thiên, khi Chúa Giêsu dẫn các Tông Đồ tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. [7] Trong một buổi tiếp kiến mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô, suy gẫm mầu nhiệm này, đã tự hỏi: “Biến cố này có ý nghĩa gì? Nó có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng ta? Chiêm ngắm Chúa Giêsu ngự bên hữu Đức Chúa Cha có ý nghĩa gì?” [8]

Chúa lên Trời với tư cách là Đầu của Hội Thánh: Người đi chuẩn bị chỗ cho chúng ta, như Người đã hứa [9]. “Người đi trước chúng ta vào vương quốc vinh quang của Chúa Cha để chúng ta, các chi thể của thân thể Người, được sống trong niềm hy vọng là sẽ có ngày được vĩnh viễn ở bên Người.” [10] Tuy nhiên, để được cùng Chúa Kitô tiến vào vinh quang, chúng ta phải theo chân Người. Đức Thánh Cha đã lưu ý rằng khi Người lên Giêrusalem để mừng Lễ Vượt qua cuối cùng – nơi Người sẽ thực hiện hy tế cứu độ –, “Chúa Giêsu đã thấy cùng đích của Người, đó là Thiên Đàng, nhưng Ngài biết rất rõ rằng con đường dẫn đến vinh quang của Chúa Cha phải đi qua Thập Giá, bằng sự vâng theo kế hoạch yêu thương Thiên Chúa dành cho nhân loại […] Chúng ta cũng cần nhớ rằng trong đời sống Kitô hữu chúng ta, việc đi vào vinh quang Thiên Chúa đòi buộc chúng ta trung thành mỗi ngày với ý định của Người, ngay cả khi điều đó đòi buộc ta phải hy sinh, điều đó đòi hỏi ta phải thay đổi các kế hoạch của mình, trong một số trường hợp.” [11] Các con thân mến, xin đừng bao giờ quên rằng không có thứ Kitô giáo vắng bóng Thập Giá, không có thứ tình yêu đích thật lại vắng bóng hy sinh. Hãy cố gắng thêm vào cuộc sống hằng ngày thực tế tích cực này, vì điều đó có nghĩa là bước theo bước chân của Thầy, Đấng là Đường, Sự Thật và Sự Sống. [12]

Vậy, Đại Lễ Thăng Thiên mời gọi chúng ta xét xem lòng tin tưởng của chúng ta nơi Thánh Ý của Chúa phải được cụ thể hóa như thế nào trong cuộc sống hằng ngày. Không trở ngại nào, không phụ thuộc quá đáng nào vào “cái tôi” có thể cản trở điều đó. Ngược lại, lòng chúng ta hãy tràn đầy xác quyết được làm mới mỗi ngày, để tìm kiếm, chấp nhận và yêu mến Thánh Ý Chúa, bằng tất cả sức lực mình. “Chúa chúng ta không giấu chúng ta rằng sự vâng phục theo Ý Chúa đòi buộc phải từ bỏ và quảng đại, vì Tình yêu không đòi hỏi quyền lợi: cái nó muốn, chính là phục vụ. Chính Chúa là người đầu tiên đã đi qua con đường đó với tình yêu. Giêsu ơi, Ngài đã vâng phục như thế nào? Usque ad mortem, mortem autem crucis (Pl 2,8): Cho đến chết và chết trên Thập Giá. Phải bước ra khỏi chính mình, khắc khe với cuộc sống bản thân, từ bỏ cuộc sống đó vì tình yêu dành cho Chúa và các linh hồn.” [13]

Kinh Thánh nói rằng, sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông đồ trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ. Và các ông hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. [14] Vài ngày trước đó, khi Chúa Giêsu báo cho các Tông đồ rằng các ông sẽ không thấy Ngài, lòng các ông đầy đau buồn; [15] giờ đây thì ngược lại, các ông tràn ngập niềm vui. Giải thích sự thay đổi này thế nào đây? Đó là vì, bằng cặp mắt đức tin, thậm chí trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, “các ông đã hiểu rằng dù cho các ông không nhìn thấy Ngài, thì Ngài vẫn ở lại với các ông luôn mãi, Ngài không bỏ rơi các ông và Ngài ngự trong vinh quang của Thiên Chúa Cha để trợ lực, dẫn dắt và chuyển cầu cho các ông.” [16]

Ngày nay cũng vậy, nhờ đức tin, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu vẫn tiếp tục ở cùng chúng ta và trong chúng ta, qua ân sủng, với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, và nơi Bí tích Thánh Thể. Ngài là chỗ chúng ta tựa nương và là sức mạnh của chúng ta, là người anh cả, người bạn thân thiết của ta, người sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi chúng ta, đặc biệt là trong những thời khắc thử thách và chiến đấu. “Như Thánh Gioan đã viết trong thư thứ nhất của mình, Ngài chính là luật sư của chúng ta ; tuyệt biết bao khi nghe điều đó! Khi một người bị triệu tập bởi tòa án hay bị liên quan đến một vụ kiện, điều đầu tiên anh ta làm là tìm một luật sư bênh đỡ. Chúng ta cũng có một Luật Sư luôn bênh đỡ chúng ta, Người bênh đỡ chúng ta khỏi mưu ma chước quỷ, Người bênh đỡ chúng ta khỏi bản thân và tội lỗi của chúng ta!... Chúng ta đừng ngại ngần chạy lại xin Ngài tha thứ, chúc lành và thương xót!” [17] Chúng ta có cố gắng đặt mình trong sự hiện diện của Chúa, bất kể điều gì xảy ra hay không? Chúng ta có đón mừng Thánh Ý Chúa dành cho chúng ta? Chúng ta có kiên trì cầu khẩn Ngài không?

Điều chắc chắn rằng Thầy đồng hành với chúng ta là một kết quả khác của việc Chúa lên trời, khiến chúng ta đầy tràn bình an và vui mừng. Một sự bình an và niềm vui mà chúng ta cần phải chia sẻ cho người khác và cho tất cả những ai xung quanh ta, đặc biệt là cho những ai đang chịu đau khổ (có thể họ không nhìn thấy mình đau khổ) vì họ đang rời xa Thiên Chúa. Thánh Josémaría đã nhấn mạnh cách sinh động biết bao khi viết về ngày lễ này: “Một công việc tuyệt vời đang chờ đợi chúng ta. Chúng ta không thể ở lại trong tình trạng ù lì, vì Thiên Chúa chúng ta đã nói rất rõ với chúng ta rằng: ‘Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.’ (Lc 19,13). Chúng ta không thể khoanh tay chờ đợi Thiên Chúa lại đến, Người sẽ đến để lấy trọn vẹn Vương Quốc Ngài. Mở rộng Vương Quốc Thiên Chúa không chỉ là công việc chính thức của những thành viên của Hội Thánh đại diện Chúa Kitô vì họ được nhận lãnh năng quyền hiến thánh từ Ngài. ‘Vos autem estis corpus Christi’ (1 Cr 12,27) – ‘Anh em là thân thể Đức Kitô’, Thánh Tông Đồ nói với chúng ta, với mệnh lệnh phải làm việc đến cùng. [18]

Tháng này, tháng dành kính Đức Maria tại nhiều quốc gia, luôn là thời gian đặc biệt để làm việc tông đồ trong Opus Dei. Thánh Josemarie đã dạy chúng ta đi hành hương đến một đền thờ hay một nhà thờ dâng kính Đức Mẹ, nếu được, cùng với một vài người bạn. Tất cả chúng ta đều có trải nghiệm rằng sau đó, khi quay về với cuộc sống thường nhật, với công việc, với gia đình, chúng ta sẽ đương đầu bằng một sức mạnh nội tâm mới mà Đức Maria đã cầu bầu cho chúng ta, để hướng dẫn đời sống chúng ta hay làm cho đời sống chúng ta quay về với Con của Mẹ là Chúa Giêsu. Cha nhớ lại lần hành hương đầu tiên của Cha chúng ta đến đền thờ kính Đức Maria ở Sonsoles – Avila (Tây Ban Nha), mà ngày mai là ngày kỷ niệm, cha cũng không quên được tuần cửu nhật kính Đức Mẹ Guadeloupe năm 1970, mà trong suốt những ngày đó, với đức tin sâu sắc, Cha Thánh đã cầu nguyện cho Hội Thánh, cho Đức Giáo Hoàng và cho Opus Dei. Cha đề nghị rằng, khi hành hương kính Đức Mẹ trong tháng 5 này, chúng ta hãy hiệp thông với các ý nguyện mà Đấng Sáng lập vẫn đang tiếp tục cầu nguyện trên Thiên Đàng.

Vào ngày 19 tháng 5, chúng ta mừng Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và Chúa nhật tiếp theo là Lễ Chúa Ba Ngôi. Đấng An Ủi, ngày nay cũng như trong thời các tông đồ và trong suốt đời sống Giáo Hội, là Đấng thêm sức mạnh cho người Kitô hữu và ban cho họ ơn can đảm để loan báo về Chúa Giêsu khắp thế gian. Hãy suy gẫm điều đã xảy ra sau cái chết của Stêphanô, vị Tử Đạo đầu tiên. Hồi ấy, Hội Thánh tại Giêrusalem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giuđêa và Samaria.[19] Sự ngược đãi, thay vì kiềm hãm sự lớn mạnh của Giáo Hội, đã làm lan tỏa Hội Thánh ra ngoài Giêrusalem, làm cho Hội Thánh bén rễ ở những vùng đất mới, nơi những con người mới, không phải là dân Israel, như người dân Samaria chẳng hạn. Việc này cũng diễn ra tương tự trong các chuyến tông du của Thánh Phaolô.

Khi xem xét những sự kiện này, được ghi lại ở các bài đọc trong mùa Phục Sinh, chúng ta nên tự hỏi: Tôi có làm chứng về đức tin của tôi vào Chúa Kitô chưa? Tôi có xin Chúa gia tăng nơi tôi nhân đức đối thần này (đức tin), cùng với đức cậy và đức mến, đặc biệt là trong Năm Đức Tin chưa? Tôi có kiên định và dứt khoát chiến thắng nỗi lo sợ điều người khác có thể nghĩ về tôi hay những ngăn trở khiến tôi lùi bước trong công việc tông đồ của mình? Tôi có dám để mình bị chinh phục bởi việc nhận biết Chúa Giêsu phục sinh đang bước đi cùng tôi trên mọi nẻo đường trong đời sống thường nhật của tôi không? Tôi có thường xuyên đến Nhà Tạm để xin Chúa cho tôi kính mến Người và Mẹ Người nhiều hơn không? Hãy cùng lắng nghe điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hỏi chúng ta: “Các con và ta, chúng ta có thờ phượng Thiên Chúa không? Chúng ta đến với Người chỉ để cầu khẩn Người thôi, hay để cảm ơn, để thờ phượng Người? [...] Thờ phượng Thiên Chúa nghĩa là dành cho Người một chỗ xứng hợp; thờ phượng Thiên Chúa nghĩa là khẳng định, tin tưởng – không chỉ bằng lời nói – rằng Người là Đấng chân thật và duy nhất dẫn lối đời ta.”[20]

Tháng trước, Cha có một chuyến đi ngắn đến Liban. Như mọi khi, Cha đã nhờ sự giúp đỡ của các con để thúc đẩy công việc tông đồ của các anh chị em trong Hội tại quốc gia yêu quý đó – là giao lộ của Trung Đông. Được mỗi người các con đồng hành, Cha đã cầu nguyện trước Đức Mẹ Liban, trong Đền thánh Harissa, đặc biệt xin Mẹ ban hòa bình trong cả vùng này và cả những nơi còn lại của thế giới. Hãy không ngừng chạy đến với Đức Mẹ để cầu xin cho tất cả các nhu cầu của Giáo Hội và xã hội. Đây là thái độ mà Mẹ dạy chúng ta trong dịp lễ Thăm Viếng được mừng kính cuối tháng này: sẵn sàng phục vụ người khác trong mọi hoàn cảnh, vào mọi thời điểm mà cơ hội phục vụ đến, cũng như Đức Maria đã đi chăm sóc người chị họ Êlizabét.

Các con hãy cầu nguyện với Đức Mẹ cho các ý nguyện của Cha: không có chút ích kỷ nào trong lời cầu khẩn này, vì giữa bao bộn bề lo toan, nơi lời cầu này diễn tả tấm lòng trung tín hằng ngày của các con, sống trong niềm vui, trong sự kiên định, và với khao khát nên thánh và nhiệt huyết tông đồ. Hãy cầu xin Mẹ của Giáo Hội để Mẹ cầu bầu cùng Chúa Ba Ngôi ban cho toàn thể Giáo Hội và cho thành phần nhỏ này của Giáo Hội là Hội chúng ta, nhiều linh mục tận hiến trọn vẹn cho sứ vụ. Hãy cầu nguyện đặc biệt cho các tân linh mục của Hội sẽ được thụ phong vào ngày 4 tháng 5, để các Ngài – như Đấng Sáng lập mong muốn – trở nên thánh thiện, hiểu biết, vui tươi, và mạnh mẽ trong đời sống siêu nhiên.

Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con.

Cha của các con,

+ Javier

Rôma, ngày 1 tháng 5, năm 2013

Ghi chú:

[1] Sách Lễ Roma - Kinh Tin Kính Công Đồng Nixê-Constatinople

[2] Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 665.

[3] Cv 1,3.

[4] Lc 24,46-48.

[5] Thánh Josemaría, Ghi chép trong một buổi họp mặt gia đình, ngày 29 tháng 10 năm 1972.

[6] Thánh Josemaría, Ghi chép trong một buổi họp mặt gia đình, ngày 3 tháng 11 năm 1972.

[7] Lc 24,50-51.

[8] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Phát biểu trong một buổi yết kiến chung, ngày 17 tháng 4 năm 2013.

[9] x. Ga 14,2-3.

[10] Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 666.

[11] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Phát biểu trong một buổi yết kiến chung, ngày 17 tháng 4 năm 2013.

[12] Ga 14, 6.

[13] Thánh Josemaría, Khi Chúa Kitô Đi Ngang Qua, số 19.

[14] Lc 24,52-53.

[15] x. Ga 16,6.

[16] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Phát biểu trong một buổi yết kiến chung, ngày 17 tháng 4 năm 2013.

[17] Tài liệu vừa dẫn

[18] Thánh Josemaría, Khi Chúa Kitô Đi Ngang Qua, số 121.

[19] Cv 8,1.

[20] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài giảng trong Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, ngày 14 tháng 4 năm 2013.