Thư Đức Giám quản - tháng 8 năm 2013

Đức Giám quản cảm tạ Thiên Chúa vì việc Tòa Thánh chuẩn nhận các phép lạ nhờ lời cầu bầu của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phao lô II và của Cha Alvaro del Portillo, và tiếp tục bài giáo lý về Năm Đức tin.

Các con thân mến,

Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Nói đến tháng 8 là nhớ đến kho tàng là Đức Maria, Mẹ của chúng ta, gương mặt của Giáo Hội. Chúng ta hãy tìm đến Mẹ cách đặc biệt trong những tuần lễ này, để Mẹ xin Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho chúng ta một cuộc sống ngay thẳng, để sống theo Sự Thật trong mọi tình huống. Xin Mẹ giúp mỗi người chúng ta trở thành những người có cuộc sống ngay thẳng, trung thành hơn với Thiên Chúa. Như vậy, chúng ta sẽ ngày càng khẳng định mình thuộc về Giáo Hội, thuộc về Opus Dei.

Cha viết thư này cho các con từ Brazil, nơi Đại hội Giới trẻ Thế giới vừa kết thúc. Những ngày chúng ta vừa trải qua với Đức Thánh Cha, với các Giám mục, Linh mục và hàng triệu tín hữu tuôn đến Rio de Janeiro, thật mạnh mẽ về mặt thiêng liêng. Cha đã cầu xin Thiên Chúa, hiệp với lời cầu nguyện và việc làm của các con, để hoa quả thiêng liêng và nhân bản của những hạt giống mà Chúa Thánh Thần đã gieo vào các cõi lòng được trổ sinh hoa trái vì lợi ích của Giáo Hội và thế giới.

Thánh trước, chúng ta nhận được thật nhiều quà tặng từ Chúa. Đầu tiên là việc ra đời của Thông điệp Lumen Fidei (Ánh sáng Đức tin), qua đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ sung tác phẩm ba tập về các nhân đức đối thần mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khởi sự. Cha mời các con suy ngẫm Thông điệp ấy cách chậm rãi, hãy để tâm trí các con được tràn đầy ánh sáng, ý chí các con đầy quyết tâm, để các con tham gia một cách hăng hái hơn vào việc tân phúc âm hóa.

Hôm 5 tháng 7, ngày ban bố Thông điệp ấy, cũng là ngày chúng ta nhận được tin Đức Giáo Hoàng chuẩn thuận phép lạ đã được thực hiện do lời cầu bầu của Cha Alvaro, sẽ dẫn đến việc phong Chân Phước cho Ngài. Cùng ngày, Đức Thánh Cha cũng đã thông qua phép lạ cho phép việc phong Hiển Thánh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Cha thật vui mừng vì sự trùng hợp của các sự kiện tòa thánh này. Cha nhận ra biểu hiện của sự hiệp nhất thiêng liêng vốn đã gắn kết vị Giáo Hoàng vĩ đại với Đấng tiền nhiệm đáng mến của cha trong vai trò lãnh đạo Opus Dei.

Trong Thông điệp của Ngài, Đức Thánh Cha nhắc chúng ta rằng niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, vào những gì Ngài đã mặc khải, được gìn giữ nguyên vẹn từ thời các tông đồ. «Nhưng làm sao có thể được như vậy? Làm sao chúng ta có thể chắc chắn mình gặp được "Đức Giêsu thật sự" sau từng ấy thế kỷ?» [1] Câu trả lời cho những câu hỏi này, mà nhiều người đương thời đặt ra, thật ra chỉ nằm trong một công thức duy nhất: thông qua Giáo Hội. «Giống như mọi gia đình, Giáo Hội truyền cho con cái toàn bộ nội dung ký ức của mình. Làm thế nào để không mất điều gì, mà ngược lại gia sản đức tin ngày càng sâu sắc hơn? Đó là nhờ Truyền thống tông đồ được gìn giữ trong Giáo hội với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.» [2]

Sự thông truyền không ngơi nghỉ ấy của Giáo Hội được chứa đựng chủ yếu trong các bản văn của Kinh Tin kính, cũng như trong các tài liệu khác của Huấn quyền giảng giải về giáo lý đức tin. Chính vì vậy mà hằng tháng chúng ta cố gắng đào sâu hơn Kinh Tin kính, với sự giúp đỡ của sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo hay quyển Toát yếu của nó, vui mừng vì niềm tin của chúng ta tỏa sáng nơi cuộc đời các Thánh trong suốt năm phụng vụ. Phép lạ do lời cầu bầu của Cha Alvaro là một thúc đẩy mới cho chúng ta sống tinh thần Opus Dei, vốn "xưa như Tin Mừng nhưng cũng mới như Tin mừng" [3]: đó là phấn đấu đạt đến việc nên thánh trong cuộc sống thường ngày, tinh thần mà Thiên Chúa đã trao ban cho Thánh Josemaria để Ngài khắc ghi trong tâm mình và trong tâm khảm thật nhiều người khác. Ngay khi tin trên được công bố, Cha đã đề nghị các con tìm hiểu thêm về cuộc đời thánh thiện của Cha Alvaro: lòng trung thành của Ngài đối với Thiên Chúa, với Giáo Hội và Đức Thánh Cha, sự khẳng định mình hoàn toàn theo tinh thần của Opus Dei mà Ngài lãnh nhận từ Thánh Josemaria và truyền lại nguyên vẹn cho chúng ta.

Bây giờ, Cha muốn nói về một trong những đặc tính của Giáo Hội: đó là sự thánh thiện. Để giúp chúng ta nhận rõ hơn thực tế này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết rằng: Suốt năm nay «điều quan trọng là cần phải nhìn lại lịch sử đức tin của chúng ta, là một lịch sử được đánh dấu bằng mầu nhiệm khôn lường của việc đan xen giữa thánh thiện và tội lỗi.» [4] Suy nghĩ về sự thánh thiện của Giáo Hội, thể hiện qua giáo lý và các tổ chức Giáo Hội, nơi bao người con của Giáo Hội trong suốt chiều dài lịch sử, sẽ dẫn chúng ta đến việc cảm tạ Thiên Chúa ba lần rất Thánh, Đấng là cội nguồn của mọi sự thánh thiện, và khiến ta nhận thức rằng chúng ta được đắm chìm trong tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta đã thường xuyên hướng đến mỗi Ngôi vị như thế nào? Chúng ta có cảm thấy nhu cầu yêu mến từng Ngôi vị cách riêng biệt không?

Nói đến bản chất của Giáo Hội, Công đồng Vatican II nhấn mạnh ba khía cạnh mà qua đó mầu nhiệm của Giáo Hội thể hiện mạnh mẽ nhất: đó là Dân Thiên Chúa, Nhiệm Thể Chúa Kitô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo khai triển rộng rãi những chủ đề này [5]. Trong mỗi khía cạnh này đều bừng lên sự thánh thiện, cũng như các đặc trưng khác, làm cho Giáo Hội khác biệt so với bất kỳ một tổ chức con người nào.

Tên gọi Dân Thiên Chúa đưa chúng ta trở lại Cựu Ước. Thiên Chúa đã chọn Israel làm dân riêng, để loan báo và chuẩn bị cho Dân Thiên Chúa thực thụ mà Chúa Giêsu Kitô sẽ thiết lập bằng hy tế Thập Giá. Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. [6] Gens sancta, dân thánh, bao gồm những con người có sự yếu đuối của mình: sự mâu thuẫn hiển nhiên này nhấn mạnh một trong những khía cạnh của mầu nhiệm Giáo Hội. Giáo hội linh thánh, nhưng đồng thời cũng mang tính con người, vì Giáo Hội được cấu thành bằng những con người, mà con người thì có những khiếm khuyết: Omnes homines terra et cinis (Hc 17,31), tất cả chúng ta đều là tro bụi. [7]

Thực tế này phải thúc đẩy chúng ta sám hối, ăn năn, sửa lỗi, nhưng không bao giờ đưa đến chán nản hay bi quan. Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã so sánh Giáo Hội như một cánh đồng nơi lúa tốt và cỏ lùng mọc chung, như một mẻ cá mang lại cả cá ngon lẫn cá xấu, và chỉ đến ngày tận thế mới diễn ra sự tách biệt vĩnh viễn giữa cái xấu và cái tốt. [8] Nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng, ngay bây giờ, trên mặt đất này, cái tốt dồi dào hơn cái xấu, ân sủng dồi dào hơn tội lỗi, mặc dù hành động của cái tốt nhiều khi không được nhận ra. Thật vậy, sự thánh thiện cá nhân của mọi Kitô hữu hôm qua và ngày nay không có gì là hoành tráng. Chúng ta thường không để ý đến những con người bình dị, đời thường và thánh thiện đang sống và làm việc bên cạnh chúng ta. Tội lỗi và sự bất trung thì lại nổi bật hơn dưới mắt người đời: chúng dễ nhận thấy hơn. [9] Chúa muốn các con cái của Ngài trong Opus Dei và thật nhiều Kitô hữu khác hãy nhắc nhớ mọi người rằng ai nấy đều có ơn gọi nên thánh, và mỗi người phải phấn đấu để đáp trả ân sủng và nên thánh. [10]

Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô: «Qua bao thế kỷ, Chúa Giêsu tạo nên Giáo Hội của Ngài bằng các Bí tích phát xuất từ sự trọn hảo của Ngài. Chính bằng các phương tiện này mà Giáo Hội giúp các thành viên của mình tham dự vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, thông qua ân sủng Thánh Thần, Đấng ban sự sống và làm cho Giáo Hội hoạt động.» [11]

Giáo Hội "thánh thiện, mặc dù cưu mang trong lòng mình những con người tội lỗi, vì Giáo Hội không có gì khác hơn cuộc sống ân sủng: chính nhờ sống cuộc sống ân sủng mà các thành viên trong Giáo Hội được thánh hóa; và chính khi muốn rút lui khỏi cuộc sống đó mà họ sa ngã vào tội lỗi và hỗn độn, và làm cản trở sức sáng tỏa của sự thánh thiện của Giáo Hội. [...] Giáo Hội đau buồn và đền tạ cho những tội lỗi như thế, những tội lỗi mà Giáo Hội có khả năng chữa lành cho con cái mình bằng Máu Chúa Kitô và ân sủng Chúa Thánh Thần.» [12]

«Trước hết, cơ thể nhắc chúng ta về một thực tại sống động. Giáo Hội không phải một hiệp hội lo về phúc lợi, văn hoá hay chính trị, nhưng là một cơ thể sống động, bước đi và hoạt động trong lịch sử. Và cơ thể này có một cái đầu là Chúa Giêsu, người dẫn dắt, nuôi dưỡng và hỗ trợ nó. [...] Cũng giống như một cơ thể cần có sự lưu thông của máu để sống, chúng ta cũng cần phải để cho Chúa Giêsu hành động trong chúng ta, để Lời của Ngài dẫn dắt chúng ta, để sự hiện diện của Ngài nơi Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta, làm cho chúng ta hoạt động, để tình yêu của Ngài cho chúng ta sức mạnh để yêu mến tha nhân. Mãi mãi là như thế! Mãi mãi, mãi mãi! Anh chị em thân mến,» - Đức Thánh Cha nói tiếp - «chúng ta hãy kết hiệp với Chúa Giêsu, hãy tin tưởng nơi Ngài, hãy hướng cuộc sống chúng ta theo Tin Mừng của Ngài, hãy nuôi dưỡng chúng ta bằng cầu nguyện, bằng lắng nghe Lời Chúa, bằng các Bí tích.» [13]

Rõ ràng cơ thể con người được tạo thành bởi các cơ quan và chi thể khác nhau, mỗi cái có một chức năng riêng, dưới sự chỉ đạo của cái đầu, vì lợi ích của cả cơ thể. Vì thế, Thiên Chúa muốn rằng trong Giáo hội «có một sự đa dạng, sự khác biệt về vai trò và chức năng; không có sự đồng đều đơn điệu, nhưng là một sự phong phú do Chúa Thánh Thần ban cho. Tuy nhiên vẫn luôn có sự hiệp thông và thống nhất: tất cả đều liên hệ với nhau và đều góp phần tạo nên một cơ thể sống duy nhất, gắn chặt với Chúa Kitô.» [14] Sự kết hiệp với Chúa Kitô, cái đầu vô hình của Giáo Hội, được thể hiện bằng sự kết hợp chặt chẽ với cái đầu hữu hình là Đức Thánh Cha và các Giám mục hiệp thông với Toà Thánh. Chúng ta hãy cầu nguyện mỗi ngày, như Thánh Josemaria đã làm, cho sự hiệp nhất của tất cả trong Giáo Hội thánh thiện.

Từ xưa người ta đã nói rằng trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần như là linh hồn trong cơ thể con người: Ngài ban sự sống, giữ gìn cơ thể trong sự hiệp nhất, làm nó tăng trưởng để đạt đến sự hoàn hảo mà Thiên Chúa đã định cho nó. «Giáo Hội không phải là một sự trộn lẫn các sự vật và lợi ích, nhưng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, là ngôi Đền Thờ mà trong đó Thiên Chúa hoạt động, ngôi Đền Thờ mà mỗi người chúng ta, qua Bí tích rửa tội, là một viên đá sống động. Điều này cho thấy không ai là vô ích trong Giáo Hội. [...] Không ai giữ vai phụ cả.» [15]

Là thành viên của cùng một Nhiệm Thể, người Kitô hữu có thể và phải giúp đỡ lẫn nhau để đạt đến sự thánh thiện, nhờ các Thánh thông công, mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin kính của các Thánh Tông đồ. Cách diễn tả «các Thánh thông công» không chỉ có nghĩa là các tín hữu tham dự vào magnalia Dei, kho tàng của Thiên Chúa (đức tin, các Bí tích, và các ân sủng thiêng liêng khác), «mà còn chỉ sự hiệp thông giữa những con người thánh thiện (sancti), nghĩa là giữa những người, nhờ ân sủng, kết hiệp với Chúa Kitô tử nạn và phục sinh» [16]: đó là các Thánh trên Thiên đàng, các linh hồn đang được thanh luyện trong luyện ngục, và chúng ta là những người đang chiến đấu trên trần gian trong cuộc chiến đấu nội tâm. Chúng ta hợp thành một gia đình duy nhất, gia đình của những người con của Thiên Chúa, để ca tụng Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta có quyết tâm sống điều đó không?

Thánh Josemaria đã được an ủi rất nhiều khi suy niệm chân lý đức tin này. Nhờ vào mầu nhiệm các Thánh thông công, không một tín hữu nào có thể nghĩ rằng mình cô đơn, cho dù trong cuộc chiến đấu nội tâm hay trong những khó khăn vật chất. Chúng ta thấy niềm tin tưởng của ngài trong cuốn Con đường: Các Thánh thông công. – Tôi giải thích điều đó cho bạn như thế nào đây? – Bạn có biết truyền máu vào cơ thể để làm gì không? Vâng, mầu nhiệm các Thánh thông công cũng làm cho linh hồn điều tương tự như vậy. [17] Ngài còn nói tiếp: Bạn sẽ dễ dàng chu toàn bổn phận nếu bạn nghĩ đến sự giúp đỡ anh chị em dành cho bạn, và sự giúp đỡ mà bạn sẽ thôi dành cho họ nếu bạn không trung thành. [18]

Chúng ta hãy can đảm lên, hãy thật can đảm, các con. Cho dù chúng ta có thể vấp ngã, cho dù đôi khi chúng ta cảm thấy yếu đuối và hết sức lực trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, chúng ta vẫn luôn có thể, nhờ ơn Chúa, tiếp tục cuộc hành trình nên thánh. Chúng ta được bao bọc bởi rất nhiều vị Thánh, những người trung thành với Chúa, những người không ngừng bắt đầu và lại bắt đầu trong cuộc sống nội tâm.

Hơn nữa, chúng ta chỉ cần ngước mắt lên trời. Lễ trọng mà chúng ta sẽ cử hành vào ngày 15, Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, cũng cho chúng ta sự đoan chắc ấy. Dựa vào lời cầu bầu của Chúa Kitô, Đấng không ngừng khẩn cầu Thiên Chúa Cha cho tất cả chúng ta [19], chúng ta được an ủi biết bao, được một nơi ẩn trú bao la biết bao khi chiêm ngắm Mẹ chúng ta, người luôn chăm lo cho phần rỗi của các Kitô hữu cùng toàn thể nhân loại! Nơi Đức Maria, Giáo Hội đã đạt đến sự toàn hảo, không tì vết, không nếp nhăn [20]. Chúng ta, mọi tín hữu, chúng ta còn phải phấn đấu để chiến thắng trong việc tìm kiếm sự thánh thiện, bằng cách triệt để lánh xa tội lỗi. Vì vậy, chúng ta ngước nhìn lên Mẹ, ngời sáng như một gương mẫu đức hạnh cho toàn thể cộng đồng dân Chúa [21]. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ, giữa những thăng trầm của Giáo Hội và của mỗi chúng ta. Mẹ ơi! – Hãy lớn tiếng gọi Mẹ, gọi thật to. – Mẹ đang lắng nghe bạn, Mẹ thấy bạn không chừng đang gặp hiểm nguy, và Mẹ, Mẹ Maria của bạn, nhờ ân sủng của Con Mẹ, sẽ cho bạn vòng tay trú ẩn, sự âu yếm dịu dàng, và bạn sẽ cảm thấy được thêm sức để đương đầu với những cuộc chiến đấu mới. [22]

Hãy để lời cầu nguyện này từ mọi miền đất bay lên Trời cách mạnh mẽ vào ngày 15 tháng 8 này, khi chúng ta lặp lại sự thánh hiến Opus Dei cho Trái Tim rất dịu hiền của Mẹ Maria. Hiệp nhất trong cầu nguyện, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa thương ban ân sủng mà thế giới, Giáo Hội và mỗi chúng ta đang cần đến.

Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con.

Cha của các con,

+ Javier

Sitio da Aroeira, ngày 1 tháng 8 năm 2013.

Ghi chú:

[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Lumen fidei (Ánh sáng Đức tin), ngày 29/6/2013, số 38.

[2]Tài liệu vừa dẫn, số 40.

[3] Thánh Josemaria, Thư ngày 9/1/1932, số 91.

[4] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Tông thư Porta fidei (Cánh cửa Đức tin), ngày 11/10/2011, số 13.

[5] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, từ số 781 đến số 810.

[6] 1 P 2, 9

[7] Thánh Josemaria, Bài giảng Trung thành với Giáo Hội, ngày 4/6/1972.

[8] Mt 13, 24-30 ; 47-50.

[9] Thánh Josemaria, Bài giảng Trung thành với Giáo Hội, ngày 4/6/1972.

[10] Tài liệu vừa dẫn.

[11] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tuyên xưng trọng thể đức tin (Kinh Tin kính của Dân Chúa), ngày 30/6/1968, số 19.

[12] Tài liệu vừa dẫn.

[13] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài phát biểu trong buổi yết kiến chung, 19/6/2013.

[14] Tài liệu vừa dẫn.

[15] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài phát biểu trong buổi yết kiến chung, 26/6/2013.

[16] Sách Toát yếu Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 195.

[17] Thánh Josemaria, Con đường, số 544.

[18] Tài liệu vừa dẫn, số 549.

[19] Dt 7, 25

[20] Ep 5, 27.

[21] Vatican II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn dân), số 65.

[22] Thánh Josemaria, Con đường, số 516.