Thư Đức Giám quản - Tháng 3 năm 2013

Đức Giám quản thúc giục : “Chúng ta hãy nâng đỡ bằng cầu nguyện và hy sinh nhiệm vụ của các Đức Hồng y nhóm họp trong Mật viện để bầu chọn Đấng kế vị Thánh Phêrô, Đấng mà chúng ta đã yêu mến bằng tất cả tâm hồn mình.”

Các con thân mến,

Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Cha thật xúc động khi ghi ngày 1 tháng 3 lúc viết thư này, đó ngày đầu tiên của sede vacante (thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng) trong Hội Thánh sau khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từ nhiệm. Từ ngày Ngài công bố quyết định đó, Cha luôn nhớ đến lời ngôn sứ: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta. (...) Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy.” (1)

Từ điều này chúng ta lại cảm nghiệm một lần nữa như một bằng chứng rất cần thiết là chính Đấng An Ủi luôn dẫn dắt Giáo hội. Thiên Chúa chúng ta muốn dùng những công cụ con người để qua đó cộng đồng tín hữu có thể thấy Ngài; nhưng chính là Ngài, Chúa Giêsu, vị Chủ Chăn tối cao, chăm sóc các mục tử và các tín hữu: Ngài củng cố họ trong Đức Tin, bảo vệ họ trước mối hiểm nguy, soi sáng họ, cho họ những lương thực cần thiết trong cuộc hành hương về nước Trời.

Vì vậy, những lời khác cũng đến trong tim Cha ngay lập tức: những lời mà Chúa Giêsu đã nói các Tông đồ và các môn đệ mọi thời, lúc Ngài sắp lên trời: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. (...) Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” (2) Chúa không muốn chúng ta mồ côi. Khi Ngài lên ngự bên phải Chúa Cha, Ngài đã giao cho Phêrô bánh lái của Giáo hội. Sứ mệnh này được truyền lại cho những người kế vị, vì các triều đại Giáo hoàng họp thành một chuỗi liền lạc, theo lời hứa của Đức Kitô với Phêrô: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (3) Lời hứa của Chúa không thể nào không thành hiện thực. Nhưng cùng tất cả mọi người Công giáo, chúng ta phải cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện nữa, như Cha đã gợi ý anh chị em các con khi nghe tin này. Thiên Chúa muốn chúng ta cầu nguyện cho cuộc họp bầu Giáo Hoàng bắt đầu trong vài ngày tới, và cho Đức Giáo Hoàng mới mà Thiên Chúa đã chuẩn bị trong sự Quan phòng của Ngài.

Cha viết lại đây những gì Đấng Sáng lập đã nói vào năm 1958, cũng vào lúc sede vacante (trống tòa): Cha muốn nói với các con một lần nữa về việc bầu cử Đức Thánh Cha sắp tới. Các con biết rõ rồi đó, tình mến yêu của chúng ta dành cho Đức Thánh Cha. Sau Chúa Giêsu và Đức Maria, chúng ta mến yêu Đức Thánh Cha bằng tất cả sức mạnh linh hồn mình, bất kể người đó là ai. Vì vậy chúng ta đã yêu mến sẵn Đức Giáo Hoàng sắp tới. Chúng ta đã quyết định phục vụ Ngài bằng cả đời mình. Các con hãy cầu nguyện, hãy dâng lên Thiên Chúa cả những lúc nghỉ ngơi. Chúng ta dâng lên Thiên Chúa cả những điều ấy để cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng sắp tới, cũng như chúng ta đã dâng tất cả các Thánh Lễ từ những ngày qua, cũng như chúng ta đã hiến dâng... từng hơi thở của chúng ta. (4)

Trong khi chờ đợi trong lòng tin tưởng kết quả cuộc họp bầu Đức Giáo Hoàng, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi về tám năm triều đại Giáo Hoàng của Đức Bênêđictô XVI, Ngài đã soi sáng một cách tuyệt vời Hội Thánh và thế giới bằng huấn quyền của mình. Cha không kể ra đây tất cả các lĩnh vực Ngài đã phát triển. Cha chỉ nhấn mạnh ở đây việc Ngài đã mời gọi một cách mạnh mẽ và thật rõ ràng tất cả mọi người, tín hữu cũng như không phải tín hữu, để tái khám phá Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Cứu Rỗi thế giới, một Thiên Chúa Tình Yêu, và để nhìn nhận con người được tạo thành giống hình ảnh Chúa, và do đó đáng được chúng ta tôn trọng. Ngài đã chứng minh rằng đức tin và lý trí, thay vì đối chọi nhau, lại có thể hợp tác để giúp chúng ta biết Chúa rõ hơn, và hiểu con người sâu sắc hơn. Ngài đã cho thấy chúng ta có thể thăng tiến như thế nào trong tình bạn với Thiên Chúa, bằng cách nhấn mạnh đến việc thờ phượng Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và con người thật, thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Ngài đã tích cực khuyến khích các nỗ lực đại kết, hướng đến sự hợp nhất các Kitô hữu mà chúng ta hằng khao khát. Ngài cũng vạch ra đường lối cho sự đổi mới thực sự của Giáo Hội, theo hướng dẫn của Công đồng Vaticanô II, trong sự tiếp nối trung thành với Truyền thống và Huấn quyền của Giáo hội qua các thế kỷ.

Vì những việc này cũng như nhiều điều khác nữa không thể liệt kê hết ở đây, người Kitô hữu cũng như tất cả mọi con người thành tâm thiện chí, chúng ta đã mang món nợ ơn nghĩa với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: một món nợ mà chúng ta chỉ có thể trả bằng cách cầu nguyện cho Ngài và ý nguyện của Ngài. Cha nghĩ rằng hiện tại chúng ta đã nhận ra rằng chúng ta rất yêu mến Ngài và chúng ta muốn tiếp tục mến yêu Ngài, vì chỉ với tình yêu chúng ta mới có thể đáp lại tình phụ tử trung thành mà Ngài đã dành cho chúng ta. Hãy tận dụng hoàn cảnh hiện tại để tự hỏi xem lời kinh nguyện “Omnes cum Petro ad Iesum per Mariam” – “Tất cả cùng Phêrô đến với Chúa Giêsu qua Đức Maria” – có sống động và nhiệt thành trong lời cầu nguyện Preces của chúng ta dành cho Đức Thánh Cha không?

Theo các gợi ý của Tông thư Porta Fidei (Cửa Đức Tin), chúng ta tiếp tục học hỏi các mục trong Kinh Tin kính trong Năm Đức Tin này. Cha đề nghị các con đào sâu một trong những chân lý mà chúng ta tuyên xưng mỗi Chúa nhật. Sau khi tuyên xưng đức tin của chúng ta trong Mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta hãy nhớ lại cuộc khổ hình, cái chết và sự mai táng của Chúa Giêsu: những sự kiện lịch sử đó đã thực sự xảy ra tại một địa điểm và vào một thời điểm cụ thể, được xác nhận không những trong các sách Tin Mừng mà còn từ nhiều nguồn khác. Đồng thời, những sự kiện thật đó, bởi ý nghĩa và tác động của chúng, không chỉ đơn thuần là dữ kiện lich sử. Nhưng còn là những sự kiện cứu rỗi, vì chúng mang đến sự cứu rỗi được thực hiện bởi Đấng Cứu Thế.

Cuộc Khổ hình và cái Chết, cũng như sự Phục sinh của Chúa, được tiên báo trong Cựu Ước, có một mục đích và ý nghĩa siêu nhiên độc nhất. Giêsu không phải là là một con người bất kỳ, nhưng là Con Thiên Chúa làm người, là Ngôi Lời nhập thể, tự hiến mình trên Thập giá cho tất cả mọi người, để đền tội chúng ta. Và sự hy sinh hòa giải độc nhất này đã được hiện tại hóa trên bàn thờ của chúng ta, một cách bí tích, mỗi khi Thánh lễ được cử hành: vì thế chúng ta phải có lòng tôn kính như thế nào khi dâng Thánh Lễ hay tham dự Thánh Lễ mỗi ngày!

Chúng ta hãy bình tâm suy gẫm Kinh Tin kính. Kinh Tin kính được gọi là “của các Tông đồ” mà chúng ta có thể đọc đặc biệt vào Mùa Chay, khẳng định rằng Chúa Giêsu Kitô đã chịu đóng đinh vào Thập giá vì chúng ta thời quan Phongxiô Philatô, Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại (5). Điều tương tự, với các biến thể chút ít, được dạy trong Kinh Tin kính mà chúng ta quen đọc trong Thánh Lễ theo cách trình bày của những Công đồng đại kết đầu tiên. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy chúng ta rằng: cái chết đau thương của Đức Giêsu không phải là kết quả của ngẫu nhiên do các hoàn cảnh bất hạnh hợp lại; nhưng đó là kế hoạch của Thiên Chúa, như Thánh Phêrô giải thích cho người Do Thái thành Giêrusalem ngay trong bài giảng đầu tiên ngày vào Lễ Hiện xuống : “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu đã bị nộp” (Cv 2,23) (6)

Chính Chúa Giêsu đã nhấn mạnh trước đó: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến Tôi, là vì Tôi hy sinh mạng sống mình, để rồi lấy lại. Mạng sống của Tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính Tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha Tôi mà Tôi đã nhận được.” (7) Vì thế, vực thẳm độc ác mà tội lỗi đào sâu đã được kết nối bằng sự Bác Ái vĩnh hằng. Thiên Chúa không bỏ rơi con người (...). Ngọn lửa ấy, lòng nhiệt thành hoàn tất ý định cứu độ của Thiên Chúa Cha, đã lấp đầy cuộc sống của Chúa Kitô, từ khi sinh ra ở Bêlem. Suốt 3 năm các môn đệ sống với Người, các ông đã nghe Người không ngừng lặp lại rằng lương thực của Người là thi hành ý của Đấng đã sai Người (x. Ga 4, 34), cho đến giữa trưa ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên, khi hy lễ của người được hoàn tất. Gục đầu xuống, Người trút hơi thở. (Ga 19, 30). Bằng những lời này, Tông đồ Gioan đã mô tả về cái chết của Đức Kitô: Chúa Giêsu, dưới gánh nặng của cây Thập giá và của tội lỗi con người, chết vì sức mạnh và sự thấp hèn của tội lỗi chúng ta. (8)

Chúng ta phải biết ơn Thiên Chúa biết bao, vì tình yêu vô bờ bến Ngài đã tỏ ra cho chúng ta! Ngài đã hiến dâng mạng sống mình, cách tự nguyện và vì yêu, không chỉ cho toàn thể nhân loại nhưng còn cho mỗi người trong chúng ta, như Thánh Phaolô đã nói: Dilexit me et tradidit seipsum pro me, (9) Ngài đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Còn nữa, cũng người môn đệ ấy, ở một mức độ diễn đạt mạnh hơn, đã chỉ rõ sự cao cả của tình yêu cứu độ của Chúa Kitô khi nói: Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người. (10)

Như Đức Bênêđictô XVI đã nói trong một buổi tiếp kiến: “Thật tuyệt diệu và kinh ngạc biết bao trước mầu nhiệm ấy! Chúng ta không thể nào suy tư thấu triệt về sự thật này. Mặc dầu là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu không muốn dùng quyền thế thần linh của Ngài như một kiểu sở hữu độc quyền; Ngài không muốn dùng bản tính Thiên Chúa, địa vị vinh quang và quyền năng của mình như một công cụ chiến thắng và một dấu chỉ ngăn cách chúng ta với Ngài. Nhưng ngược lại, ‘Ngài trút bỏ chính mình’, mang lấy thân phận con người yếu đuối và khốn khổ.” (11)

Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy rằng: “Trong ý định cứu độ, Thiên Chúa đã an bài cho Chúa Con không những ‘chết vì tội lỗi chúng ta’ (1 Cr 15, 3), nhưng còn phải ‘nếm sự chết’, phải trải qua cái chết, tức trạng thái hồn và xác tách lìa nhau, từ lúc Người tắt thở trên thập giá cho đến khi sống lại. (12) Điều đó cho thấy rõ, với một chứng cứ thậm chí còn hùng hồn hơn, sự thật về cái chết của Chúa Giêsu và việc Tin Mừng được loan báo cho các linh hồn nơi “ngục tổ tông” hay “âm phủ”, là tên gọi Kinh Thánh dùng để chỉ nơi ở của những người đã chết nhưng chưa được nhìn thấy Thiên Chúa vì Ơn Cứu Độ chưa được thực hiện. Nhưng “việc đi xuống chốn âm ty” đó của Chúa Kitô mang lại những hiệu quả khác nhau: “Chúa Giêsu không xuống âm phủ để giải thoát những kẻ bị án phạt đời đời, hoặc để phá hủy chốn đọa đày đó, nhưng Ngài xuống để giải thoát những người công chính đã chết trước Ngài”: (13) đó là một dấu chỉ khác nữa của lòng thương xót và công minh của Thiên Chúa, điều mà chúng ta trân quý và mang ơn.

Tuần Thánh đang đến gần; chúng ta hãy tìm cách áp dụng vào đời sống chúng ta những khung cảnh mà phụng vụ đem đến cho chúng ta. Thánh Josemaría đã mời gọi chúng ta: “Chúng ta hãy chiêm niệm về Thiên Chúa chúng ta, Đấng mang thương tích từ đầu đến chân vì yêu ta.” (14) Chúng ta hãy suy niệm thật chậm rãi những giờ phút cuối cùng của Chúa chúng ta trên trần gian này. “Bi kịch thương khó đong đầy cuộc đời của chính chúng ta và toàn bộ lịch sử nhân loại. Chúng ta không thể để cho Tuần Thánh trôi qua chỉ như một dịp lễ kỷ niệm. Hãy nhìn ngắm mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô như một cái gì đó vẫn đang hoạt động trong tâm hồn chúng ta. Người Kitô hữu phải trở nên alter Christus, ipse Christus: một Kitô khác, chính Chúa Kitô. Qua phép rửa, tất cả chúng ta đã trở nên tư tế do chính đời sống của mình, để dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô (1 Pr 2, 5). Tất cả những điều chúng ta làm đều có thể diễn tả sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa và tiếp nối mãi sứ vụ của Thiên Chúa làm người.” (15)

Hãy bắt đầu dọn mình để tham dự phụng vụ Tam Nhật Vượt Qua với lòng yêu mến thẳm sâu. Mỗi người chúng ta có thể tìm kiếm nhiều cách thức khác nhau để sống tốt hơn những ngày này. Ngoài nhiều nghi thức bên ngoài của lòng đạo đức bình dân, như các cuộc rước kiệu, các nghi thức sám hối, chúng ta đừng quên rằng “có một cách thực hành yêu mến rất tốt đẹp là đi “Đàng Thánh Giá”, nhờ đó trong suốt cả năm ta có thể khắc cốt ghi tâm mầu nhiệm Thập Giá ngày càng sâu sắc hơn, và có thể đồng hành cùng Chúa Kitô trên suốt hành trình của Ngài, và nhờ đó mà ta trở nên giống Ngài trong thâm tâm.” (16)

Trong mùa Chay, hãy sống lại chặng đàng thánh giá với lòng đạo đức, mỗi người theo cách phù hợp với mình nhất: điều quan trọng là suy niệm với lòng yêu mến và biết ơn cuộc Tử nạn của Chúa chúng ta. Từ lời cầu nguyện trong vườn Giétsêmani đến cái chết và táng xác Người, các Tin Mừng cung cấp cho chúng ta dồi dào chi tiết để cầu nguyện. Các suy niệm của các thánh và của nhiều tác giả thiêng liêng cũng có thể giúp chúng ta. Hãy lắng nghe lời đề nghị của Thánh Josémaria: “Lạy Chúa và Thiên Chúa của con, dưới ánh mắt dõi theo của Mẹ, chúng con sẵn sàng đồng hành với Ngài trên suốt chặng đường đau thương mà Ngài đã phải trả giá để cứu rỗi chúng con.” (17) Hãy mạnh dạn thưa rằng: “Ôi, Mẹ của con, Đức Trinh Nữ sầu bi, xin hãy giúp con sống những giờ phút đau thương mà Con Mẹ đã khao khát được trải qua nơi trần thế, để chúng con, những con người được nặn ra từ bùn đất, cuối cùng cũng có thể được sống in libertatem gloriae filiorum, trong tự do và vinh quang dành cho con cái Thiên Chúa.” (18)

Khi làm như vậy, chúng ta sẽ mở rộng tâm hồn mình hơn để nhận lãnh dồi dào hồng ân Chúa Giêsu đã mang đến cho chúng ta bằng sự Phục Sinh vinh quang của Ngài, và chúng ta sẽ chuẩn bị ngai tòa Giáo Hoàng cho Đức Tân Giáo Hoàng. Bằng cầu nguyện và hy sinh, chúng ta hãy hỗ trợ cuộc quy tụ các Hồng y trong Mật viện bầu chọn đấng kế nhiệm Thánh Phêrô, Người mà chúng ta đã yêu mến bằng tất cả tấm lòng: ý nguyện này có thể là bí quyết để Thiên Chúa hiện diện trong suốt thời gian sede vacante.

Để kết thúc thư, Cha muốn viết thêm là một cách đây vài ngày, Cha đã có chuyến đi ngắn đến Vilnius, thủ đô của Lituania. Ở đó, bên cạnh cuộc gặp gỡ các tín hữu của Hội và nhiều người khác, Cha đã cầu nguyện hai lần và trong suốt chuyến đi trước ảnh Đức Bà - Cửa Bình Minh, rất được tôn kính ở miền đất đó. Đặc biệt, Cha đã phó thác cho Mẹ thời điểm hiện nay của Giáo Hội; cha cũng cầu nguyện cho các con nữa. Trên đường quay về Rôma, cha đã bắt đầu chương trình tĩnh tâm trong tuần thứ nhất Mùa Chay như mọi năm. Trong những ngày đó, cha nhớ mỗi người trong chúng con, cầu nguyện cho các nhu cầu thiêng liêng và vật chất của các con, đặc biệt là cho các bệnh nhân. Hãy yêu mến nhiều và bảo vệ sự hiệp nhất của Hội, với sự bảo trợ của Thánh Giuse.

Trong hiệp nhất cầu nguyện và hy sinh, với sự trợ giúp bởi lời cầu nguyện và hy sinh của Đức Bênêđictô XVI, với tất cả lòng yêu mến, cha chúc lành cho các con.

Cha của các con,

Javier

Rôma, ngày 1 tháng 3 năm 2013

Ghi chú:

1. Is 55,8-9.

2. Ga 14,18 và 16.

3. Mt 16,18.

4. Thánh Josemaría, Ghi chép trong một buổi họp mặt gia đình, 26 tháng 10 năm 1958.

5. Thánh Lễ Misa, Kinh Tin kính.

6. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 599.

7. Ga 10,17-18.

8. Thánh Josémaria, Khi Chúa Kitô Đi Ngang Qua, số 95.

9. Gl 2,20.

10. 2 Cr 5,21.

11. Đức Bênêđictô XVI, Huấn từ trong buổi tiếp kiến chung, ngày 8 tháng 4 năm 2009.

12. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 624.

13. Tài liệu vừa trích dẫn, số 633

14. Thánh Josémaria, Khi Chúa Kitô Đi Ngang Qua, số 95

15. Tài liệu vừa trích dẫn, số 96.

16. Đức Bênêđictô XVI, Huấn từ trong buổi tiếp kiến chung, ngày 4 tháng 4 tháng 2007.

17. Thánh Josémaria, Đường Thánh Giá, Đoạn mở đầu.

18. Tài liệu vừa trích dẫn.