Thư Đức Giám quản - tháng 6 năm 2013

Đức Giám quản bình chú về điểm cuối cùng trong kinh Tin kính nói về Chúa Giêsu Kitô (Người sẽ đến phán xét kẻ sống và kẻ chết) và về Chúa Thánh Thần, mời gọi chúng ta chuẩn bị cho Vương quốc của Đức Kitô trong thời gian chờ đợi này, với sự trợ giúp của Đấng Thánh Hóa.

Các con thân mến,

Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của cha!

Tháng 6 luôn gợi chúng ta nhớ cách đặc biệt đến chân dung Thánh Josemaria, mà phụng vụ tưởng niệm – và được cử hành trọng thể trong Giáo đoàn của chúng ta – vào ngày 26. Khi suy ngẫm về cuộc đời hay khi đọc lại những tác phẩm của ngài, chúng ta luôn nhận thấy những điều kỳ diệu lớn lao mà Thiên Chúa đã thực hiện trong những linh hồn trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa. Tiếng reo trong Kinh Thánh vang lên trong tâm trí cha: Mirabilis Deus in sanctis suis [1], Thiên Chúa thật đáng chúc tụng nơi các vị thánh!

Việc đồng nhất thật thụ với Chúa Kitô – và chính trong điều đó hệ tại sự thánh thiện – được đặc biệt quy cho Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa Thánh Thần về hành động liên lỉ của Ngài trong việc thánh hóa các linh hồn. Chúng ta vừa cử hành lễ Hiện xuống và sau đó lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, và chúng ta thường xuyên hướng lòng mình về Thiên Chúa, mà ý muốn của Ngài, như Thánh Phaolô đã viết, là tất cả mọi người đều được cứu độ và nhận biết chân lý. [2]

Trở lại mùa Thường niên, phụng vụ nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta đang ở giai đoạn lịch sử nằm giữa lần Chúa Thánh Thần đến vào ngày Lễ Hiện xuống và lần trở lại vinh hiển của Chúa Kitô vào ngày tận cùng của thời gian. Đây là một trong những chân lý chứa đựng trong kinh Tin kính, kết thúc chu kỳ nói về mầu nhiệm của Chúa Kitô. Mỗi Chúa nhật, trong Thánh Lễ, chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Kitô, từ nay ngự bên hữu Chúa Cha, sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, và Nước Người sẽ không bao giờ cùng. [3]

« Từ khi Đức Kitô lên trời, ngày quang lâm vinh hiển của Người luôn gần kề », theo giải thích của sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo [4], theo nghĩa là điều ấy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chỉ có Chúa mới biết khi nào sự kiện đánh dấu sự kết thúc của lịch sử và sự đổi mới vĩnh viễn của thế giới sẽ xảy đến. Vì vậy, không sống trong phập phồng sợ hãi, nhưng ngược lại với ý thức trách nhiệm sâu sắc, chúng ta phải bước đi bằng cách chuẩn bị thật tốt cho cuộc gặp gỡ quyết định với Đức Giêsu, cuộc gặp gỡ cũng sẽ xảy ra cho mỗi chúng ta khi ta qua đời. Chúng ta đến từ Chúa và chúng ta trở về với Chúa: thực tế này hàm chứa sâu xa tóm tắt của sự khôn ngoan Kitô giáo. Tuy nhiên, như vừa qua Đức Giáo Hoàng đã tỏ ý tiếc rằng: "người ta thường lãng quên hai cực của lịch sử. Nhưng nhất là niềm tin vào sự trở lại của Chúa Kitô và sự phán xét cuối cùng không phải lúc nào cũng thật rõ ràng và vững chắc trong lòng người Kitô hữu." [5]

Xin đừng quên rằng cuộc gặp gỡ quyết định của mỗi người chúng ta với Chúa được đi bước trước bằng tác động liên lỉ của Chúa trong từng khoảng khắc đời sống thường nhật của ta. Cha còn nhớ Thánh Josemaria cầu xin Chúa cách mạnh mẽ thế nào trong hành trình thường nhật này: Mane nobiscum! [6] Xin ở lại với chúng tôi! Chúng ta có nài van Chúa như vậy không khi biết rằng chúng ta phải để Người hành động trong cả cuộc sống chúng ta? Đấng Sáng lập Opus Dei đã từng cổ vũ chúng ta phải sẵn sàng trả lời Thiên Chúa về cuộc đời chúng ta vào bất cứ lúc nào. Ngài đã viết trong quyển Con Đường: Chúng ta đọc trong kinh Tin kính: « Và Người sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết » – Ước gì bạn đừng quên sự phán xét, công bình, và... vị Thẩm phán [7]. Cha đã chứng kiến ngài suy ngẫm hằng ngày đến sự kiện ấy và lòng ngài tràn đầy vui mừng. Tất cả chúng ta cũng phải vui mừng vì chúng ta biết rằng mình là con Chúa. Chính vì vậy, ngài viết tiếp: Tâm hồn bạn không bùng cháy ước vọng làm hài lòng Thiên Chúa, Cha của bạn, vào ngày Người phải phán xét bạn sao? [8]

Thời hiện tại, tức là giai đoạn lịch sử chúng ta đang sống, "là thời gian chờ đợi và canh thức" [9]. Chúng ta phải làm việc với niềm hy vọng và sự phấn khởi của những đứa con ngoan, để với sự giúp đỡ của ân sủng, chúng ta sẽ xây dựng ngay trên mặt đất này Thiên Quốc mà Chúa Giêsu Kitô sẽ hoàn thiện vào ngày tận thế. Đó là những gì mà dụ ngôn các nén bạc dạy cho ta, và Thánh Josemaria cũng thường hay bình chú [10]. Đức Thánh Cha đã nhắc điều đó trong một bài giáo lý gần đây về Năm Đức Tin: "Chờ đợi Chúa trở lại là thời gian dành cho hành động [...], thời gian để làm cho ân sủng Thiên Chúa sinh hoa kết trái không phải cho chúng ta nhưng là cho Chúa, cho Hội Thánh, cho tha nhân; thời gian để luôn tìm cách làm phát triển những điều tốt đẹp trong thế giới. Nhất là trong giai đoạn khủng hoảng này, điều quan trọng là đừng khép mình, chôn vùi tài năng, kho tàng thiêng liêng, trí tuệ, vật chất, tất cả những gì Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta, nhưng là phải mở lòng, đoàn kết và lưu tâm đến người khác." [11]

Các con thân mến, chúng ta đừng quên những lời dặn dò trên, và hãy làm cho nhiều người khác, không những chỉ nghe thấy những lời ấy mà còn cố gắng đem ra thực hành. Cuối cùng, tất cả đều hướng đến sự lưu tâm đến nhu cầu của tha nhân, vì lòng mến Chúa, bắt đầu từ những người gần gũi nhất với chúng ta – những người sống cận kề chúng ta trong gia đình, nơi làm việc hay ngoài xã hội – và không quên rằng, như Thánh Gioan Thánh Giá từng viết, và sách Giáo lý ghi lại: "Khi chết, chúng ta sẽ bị xét xử căn cứ trên tình yêu" [12]. Đó là điều chính Chúa Giêsu đã dạy trong cảnh phán xét cuối cùng sống động mà Thánh Matthêu đã ghi lại [13]. Chúng ta sống tinh thần phục vụ như thế nào? Chúng ta có để niềm vui siêu nhiên và nhân bản thể hiện trong những biểu hiện nhỏ bé mà chúng ta phải có mỗi ngày không?

Cha xin nhắc lại : Suy nghĩ về những thực tại cuối cùng không phải để làm tê liệt tâm hồn ta vì lo sợ, nhưng để ta chỉnh sửa con đường trần thế của mình, sao cho phù hợp với những gì Thiên Chúa chờ đợi nơi mỗi người chúng ta. Điều đó sẽ giúp chúng ta "sống tốt hơn thời gian hiện tại. Thiên Chúa ban cho chúng ta thời gian này với lòng thương xót và kiên nhẫn, để mỗi ngày chúng ta học nhận ra Người trong những người nghèo khó và thấp hèn, để chúng ta phấn đấu vì điều thiện và tỉnh thức trong cầu nguyện và yêu thương." [14]

Chúa Thánh Thần nâng đỡ và thúc đẩy chúng ta, Đấng mà Chúa Giêsu đã gửi đến cho thế gian sau khi Người lên trời trong vinh quang. Chúng ta đã vui mừng chiêm ngắm Người trong Lễ Hiện xuống mới đây, và chúng ta tuyên xưng sự tồn tại và hành động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh mỗi khi chúng ta đọc kinh Tin kính: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy. [15]

Đây là một sự thực mà lý trí con người không thể hiểu thấu, được Chúa Kitô mặc khải cho các tông đồ, cho chúng ta thấy sự vĩ đại và toàn hảo của Thiên Chúa. "Chúa Cha không do ai làm ra, tạo thành, hay sinh ra. Chúa Con chỉ đến từ Đức Chúa Cha, Người không phải được làm ra hay tạo thành, nhưng được sinh ra. Chúa Thánh Thần đến từ Chúa Cha và Chúa Con, Người không được làm ra, tạo thành, cũng không được sinh ra, nhưng được xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con." [16] Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo tóm tắt mầu nhiệm trên trong mấy từ này: "Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi". [17]

Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của hai Ngôi Vị đầu tiên: Tình Yêu không phải được tạo thành, Tình Yêu vô hạn, Tình Yêu cùng một bản thể, Tình Yêu vĩnh cửu xuất phát từ sự trao ban của Chúa Cha và Chúa Con. Đó là một mầu nhiệm tuyệt đối siêu nhiên mà chúng ta biết được nhờ mặc khải của chính Chúa Kitô và Ngài giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự vĩ đại của quà tặng tình yêu ấy. Dựa vào lời của Ngài, các Giáo phụ và các thần học gia lớn, được huấn quyền hướng dẫn, đã cố gắng giải thích trong khả năng và ánh sáng lờ mờ của đức tin về thần tính của Đấng Bào Chữa.

Khởi đi từ cách hiểu biết và yêu mến của con người, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, và từ những tên gọi và sứ mệnh mà Kinh Thánh quy cho Chúa Thánh Thần, các học giả đã cố gắng giải thích về sự phát xuất của Chúa Thánh Thần như Tình Yêu hằng hữu từ Chúa Cha và Chúa Con. Như Chúa Cha, bằng cách thấu suốt về Bản Chất của mình mà sinh ra Chúa Con, thì cũng thế, Chúa Cha và Chúa Con yêu mến nhau trong một hành động duy nhất của tình yêu vô biên và bất diệt là Chúa Thánh Thần.

Thật vui sướng và bình an khi đức tin cho ta biết rằng mỗi khoảnh khắc ta đều được giúp sức bởi Đấng Bào Chữa! Không chỉ đồng hành với chúng ta ở bên ngoài như một người bạn thân thương, nhưng còn như người khách cư ngụ, cùng với Chúa Cha và Chúa Con, trong cõi thẳm sâu của linh hồn ta khi ta sống trong ân sủng. Như Hội Thánh cầu nguyện trong ngày Lễ Ngũ tuần: Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi tuyệt vời, là Đấng ủy lạo dịu dàng; Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than, là niềm an ủi trong lúc lệ rơi [18]. Ngài là lux beatissima, ánh sáng hồng phúc chiếu soi vào chỗ sâu kín của tâm hồn. Ngài soi sáng cho chúng ta hiểu nhiều hơn về Đức Kitô, tăng sức cho chúng ta bước theo Chúa Kitô khi trở ngại và thất bại dường như đang bủa vây chúng ta, thôi thúc chúng ta bước ra khỏi chính mình để quan tâm đến người khác và mang Chúa đến với họ.

“Sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa chiếu sáng bộ mặt địa cầu. Chúa Thánh Thần hiện diện trong Hội Thánh của Chúa Kitô mọi thời, để mãi mãi và trong mọi sự, một cờ hiệu được cất lên trước mắt tất cả mọi dân tộc, công bố cho toàn thể thiên hạ về sự thiện hảo và tình yêu của Thiên Chúa (x. Is 11,12). Mặc cho giới hạn nhỏ bé của chúng ta, chúng ta có thể hướng về Thiên đàng với một lòng tin tưởng và hân hoan, vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh là một nếm trải trước hạnh phúc đời đời, niềm vui và bình an mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta.” [19]

Trong các biểu tượng mà Kinh Thánh dùng để nói về Chúa Thánh Thần, có một biểu tượng thường dùng là nước, một yếu tố chắc chắn thiết yếu cho đời sống tự nhiên: nơi nào thiếu hoặc khan hiếm nước, mọi thứ trở nên khô cằn như hoang mạc, và mọi hữu thể sống sẽ mang bệnh hay sẽ chết. Đó là một trong những tài sản quý giá mà Đấng Tạo Hóa đã giao phó cho con người để quản lý, nhằm phục vụ mọi người. Trên bình diện siêu nhiên, nguồn sống đó chính là Chúa Thánh Thần. Trong đoạn đối thoại với người phụ nữ Samaria, và sau đó là trong Lễ Lều, Chúa Giêsu đã hứa sẽ ban cho những ai đón nhận và tin vào lời Ngài có được nước hằng sống; từ nơi tâm hồn họ sẽ vọt lên một mạch nước đem lại sự sống đời đời. Và như Thánh Gioan đã lưu ý, Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin Người sẽ lãnh nhận. [20]

Chúa Thánh Thần đến với các Kitô hữu như nguồn mạch không bao giờ vơi của kho tàng thiêng liêng. Chúng ta đã đón nhận Chúa Thánh Thần qua Bí tích Giải Tội và Bí tích Thêm Sức; Ngài được ban cho chúng ta trong Bí tích Hòa Giải, để lại mang đến cho linh hồn ơn ích vô vàn của Chúa Kitô. Người đến với linh hồn và thân xác chúng ta mỗi khi ta lãnh nhận Mình Thánh Chúa và các Bí tích khác. Ngài hoạt động nơi chúng ta qua các nhân đức đối thần và ơn sủng…Tóm lại, sứ mạng của Người là làm cho chúng ta thật sự trở nên con cái Thiên Chúa và hướng dẫn chúng ta hành xử đúng với phẩm giá đó. “Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết nhìn bằng con mắt của Chúa Kitô, biết sống như Chúa Kitô đã sống, hiểu cuộc sống như Chúa Kitô đã hiểu. Điều đó giải thích vì sao nước hằng sống là Chúa Thánh Thần lại làm cho đời sống chúng ta thỏa cơn khát.” [21]

Đấng Bào Chữa, Thiên Chúa và Đấng Ban Sự Sống, Đấng đã nói qua các tiên tri và đã xức dầu Đức Kitô để Người có thể nói Lời Chúa cho chúng ta, Đấng ấy hiện vẫn đang nói hôm nay trong Hội Thánh cũng như trong sâu thẳm các linh hồn. Thế nên, sống theo Thần Khí nghĩa là sống niềm tin, hy vọng và bác ái, là để Chúa chiếm lấy chúng ta và biến đổi tận căn tấm lòng chúng ta, để làm cho lòng ta ngày càng nên giống lòng Chúa”. [22] Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Người chăm sóc chúng ta như người cha và người mẹ tốt, và Người thật sự là thế và còn hơn thế nữa đối với mỗi người trong chúng ta. Chúng ta có cầu khẩn Người thường xuyên không? Chúng ta có làm mới quyết tâm mỗi ngày giữ hồn mình chăm chú lắng nghe linh hứng của Người không? Chúng ta có cố gắng làm theo những linh hứng đó và không chống lại không?

Để những khao khát trên thành hiện thực, cha đề nghị với các con hãy lấy những lời sau đây mà Thánh Josemaria đã viết trong những năm đầu của Opus Dei làm của mình: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến! Xin soi sáng trí lòng để con hiểu những lời dạy bảo của Người; xin gia tăng sức mạnh tâm hồn để con chống lại cạm bẫy của kẻ thù; xin đốt nóng ý chí của con... Con đã nghe tiếng Người, và con không muốn lòng con chai đá và cưỡng lại khi nói:‘Để sau…, để ngày mai.’ Nunc coepi! Ngay lập tức! E rằng ngày mai sẽ không đến với con! Ôi, Thần Khí của sự thật và khôn ngoan, Thần Khí của thông hiểu và khuyên bảo, Thần Khí của niềm vui và an bình, con muốn những gì Người muốn, con muốn vì Người muốn, con muốn như Người muốn, con muốn khi Người muốn...” [23]

Chúng ta hãy cầu xin một cách hoàn toàn tín thác cho Hội Thánh và cho Đức Thánh Cha, cho các Giám mục và các Linh mục, cho mọi Kitô hữu. Cách riêng, chúng ta hãy cầu nguyện cho một phần nhỏ của Hội Thánh là Opus Dei, cho các thành viên và cộng tác viên của Giáo đoàn, cho tất cả những ai tham gia các công tác tông đồ của chúng ta được lay động bởi khao khát cao quý là phục vụ Thiên Chúa và tha nhân nhiều hơn và tốt hơn. Lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và lễ nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria mang lại cho chúng ta nhiều an ủi to lớn biết bao! Chúng ta hãy chạy đến những chỗ cư ngụ của bình an, tình yêu, hoan lạc và bảo đảm đó.

Hai ngày trước, cha trở về từ chuyến đi Nam Phi, nơi mà công việc tông đồ của Opus Dei đang hình thành. Các con biết Cha mong ước có mặt ở bất cứ nơi nào những người con trai và con gái của cha đang sống và làm việc. Cha đi đến đấy bằng lời cầu nguyện, hy sinh trong niềm vui, hiến dâng công việc. Các con hãy hiệp nhất với ý nguyện của cha và cầu nguyện cho cha, đặc biệt vào dịp sinh nhật của cha, ngày 14 của tháng này, để luôn luôn và trong mọi việc, Cha được thúc đẩy bởi ao ước duy nhất là được phục vụ Chúa, Giáo Hội, các linh hồn và tất cả các con. Ước gì cha làm được điều đó bằng sự dâng hiến trọn vẹn và vui tươi như Đấng Sáng lập đã làm, cùng với sự trung thành của cha đáng mến Don Alvaro và của tất cả những ai đã về Nhà Cha trước chúng ta.

Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con.

Cha của các con,

Javier

Rôma, ngày 1 tháng 6 năm 2013

Ghi chú:

[1] Tv 67/68,36 (Kinh Thánh bản Vulgate).

[2] 1 Tm 2,4.

[3] Sách Lễ Rôma, Kinh Tin kính của Công đồng Nixê.

[4] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 673.

[5] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Phát biểu trong buổi tiếp kiến chung, ngày 24 tháng 4 năm 2013.

[6] Lc 24,29.

[7] Thánh Josemaría, Con Đường, số 745.

[8] Tài liệu vừa dẫn, số 746.

[9] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 672.

[10] x. Mt 25,14,30

[11] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Phát biểu trong buổi tiếp kiến chung, ngày 24 tháng 4 năm 2013.

[12] Thánh Gioan Thánh Giá, Avisos y sentencias, 57, trong Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1022.

[13] x. Mt 25,31-46.

[14] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Phát biểu trong buổi tiếp kiến chung, ngày 24 tháng 4 năm 2013.

[15] Sách Lễ Rôma, Kinh Tin kính của Công đồng Nixê.

[16] Kinh Tin kính Athanasia hay Quicumque.

[17] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 254.

[18] Sách Lễ Rôma, Lễ trọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Ca tiếp liên.

[19] Thánh Josemaria, Khi Đức Kitô Đi Ngang Qua, số 128.

[20] x. Ga 4,10-14; 7,37-39.

[21] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Phát biểu trong buổi tiếp kiến chung, ngày 8 tháng 5 năm 2013.

[22] Thánh Josemaria, Khi Chúa Kitô Đi Ngang Qua, số 134.

[23] Thánh Josemaria, Ghi chép cá nhân, tháng 4 năm 1934.