Thư Đức Giám Quản - tháng 7 năm 2013

"Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền." Đức Giám Quản nhấn mạnh nền tảng siêu nhiên của Hội Thánh trong thư tháng này.

Các con thân mến của cha,

Nguyện xin Thiên Chúa trông nom, giữ gìn các con!

Hai ngày trước, chúng ta đã cử hành đại lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, hai cột trụ đức tin, đã đổ máu vì Chúa Kitô tại Rôma. Chính trong thành phố ấy, Thánh Phêrô đã thiết lập ngai tòa của ngài, và đội lấy vương miện tử đạo cho cuộc đời trần thế của ngài. Và như thế Giáo Hội Rôma đã đã trở nên Mẹ và là đầu của các Giáo Hội ở trong thành Rôma và trên toàn thế giới. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì kế hoạch này của Người, mà qua đó, Người muốn bảo vệ các Kitô hữu trong giáo lý được mạc khải và bảo đảm một sự hiệp nhất hữu hình; chúng ta cũng hãy học cách dâng đời sống mình, bằng cách chết đi mỗi ngày cho bản ngã của mình.

Thiên Chúa đã chuẩn bị nền tảng Giáo Hội thông qua lịch sử cứu độ. Trước hết trong Cựu Ước, qua việc chọn Israel trở thành dân Người; sau đó vào thời viên mãn, Người đã sai Con yêu dấu của Người đến thế gian, bằng lời giảng dạy và các phép lạ, kêu gọi các Tông đồ và sai nhóm Mười Hai đi để tiếp tục sứ mệnh cứu chuộc của Ngài. “Giáo Hội khởi sinh chính bởi sự tận hiến trọn vẹn của Chúa Kitô để cứu chuộc chúng ta, được tiên báo qua việc lập Bí tích Thánh Thể và được hoàn thành trên thập giá.” [1] Và “khi đã hoàn tất công trình Chúa Cha giao cho Chúa Con trên thế gian (x. Ga 17,4), Chúa Thánh Thần đã được gửi đến trong ngày Lễ Ngũ Tuần để Người có thể tiếp tục thánh hóa Giáo Hội.” [2] Như Cha chúng ta đã mong muốn, chúng ta hãy để tâm suy nghĩ nhiều về hai mầu nhiệm này và hãy xin Chúa ban một đức tin vững mạnh.

Hội Thánh hoàn toàn phụ thuộc vào Ngôi Lời Nhập Thể, nhờ Người, Hội Thánh được hiện diện trên trần gian cho đến tận thế; và được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Đấng sống trong lòng Hội Thánh như ngự trong đền thờ Người. Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn và thán phục vì mối liên kết sâu sắc giữa Giáo Hội và Ba Ngôi Thiên Chúa: Giáo Hội và chúng ta là Dân Thánh của Thiên Chúa, Nhiệm Thể của Chúa Giêsu Kitô, nơi cư ngụ của của Đấng Bào Chữa. Vì thế, không có gì hợp lý hơn là sau khi tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu và sự thánh thiêng của Chúa Thánh Thần trong kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Hội Thánh, mà chúng ta liên kết chặt chẽ nhờ Phép Rửa và trong đó – như bí tích cứu độ phổ quát – công trình nên thánh của chúng ta được hoàn thành.

Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. [3] Lời tuyên xưng đức tin này, với việc kể ra bốn đặc tính xác định bản chất của Giáo Hội, đồng thời là biểu hiện của Giáo Hội ra bên ngoài, là dấu chỉ riêng biệt của Giáo lý Công giáo. “Đây là những thuộc tính của Hội Thánh, bắt nguồn từ bản chất của Hội Thánh theo ý định của Chúa Kitô. Và, vì là bản chất, các đặc tính ấy cũng là dấu ấn, dấu chỉ phân biệt Hội Thánh với các tập hợp con người khác, ngay cả khi các tập hợp ấy cũng nhân danh Chúa Kitô.” [4]

“Chúng ta hãy củng cố đức tin của mình trong đặc tính siêu nhiên của Giáo Hội. Nếu cần, chúng ta hãy lớn tiếng tuyên xưng, vì có nhiều người đã quên những chân lý lớn lao này… Họ cố đưa ra hình ảnh một Hội Thánh không thánh thiện và cũng không là gì cả; không tông truyền vì không được xây dựng trên đá tảng Phêrô. Cái họ dùng để thay thế cũng không mang tính phổ quát vì nó bị khiếm khuyết do những sai lầm tùy tiện vì những bốc đồng của con người.” [5]

Những lời nói rõ ràng và mạnh mẽ trên đây của Thánh Josemaría vẫn rất phù hợp với tình hình hôm nay. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa qua đã đau xót nói rằng: “ Đến ngày nay, vẫn còn nhiều người nói rằng: ‘Chúa Kitô thì được, nhưng Giáo Hội thì không.’ Cũng giống như người ta nói: ‘Tôi tin vào Thiên Chúa nhưng không tin các Linh mục.’ Nhưng chính Giáo Hội mang Chúa Kitô đến cho chúng ta và mang chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Giáo Hội là gia đình tuyệt hảo của đoàn con cái Chúa. Tất nhiên, Giáo Hội cũng mang những diện mạo của nhân loại. Nơi những người làm nên Giáo Hội, các vị mục tử và các tín hữu, cũng có những khuyết điểm, bất toàn và tội lỗi…, nhưng cái đẹp ở đây là khi chúng ta nhìn nhận chúng ta là tội nhân, thì chúng ta bắt gặp lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ.” [6] Và Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn tha thứ qua Giáo Hội, nơi giữ gìn Lời và các Bí tích giúp ta nên thánh.

“Trong Giáo Hội, chúng ta, những tín hữu Công Giáo, tìm thấy đức tin của mình, các chuẩn mực đạo đức, kinh nguyện và ý thức về tình huynh đệ. Qua đó, chúng ta hiệp nhất với tất cả anh chị em đã lìa cõi đời và đang được thanh luyện nơi Luyện Ngục – tức là với Giáo Hội Đau Khổ – và với những ai đã vui hưởng phúc lành được chiêm ngưỡng và yêu mến vĩnh viễn Ba Ngôi Thiên Chúa – tức là với Giáo Hội Khải Hoàn. Giáo Hội hiện diện giữa chúng ta nhưng đồng thời cũng vượt qua lịch sử. Giáo Hội được sinh ra dưới sự che chở của Đức Maria và còn tiếp tục ca ngợi Người nơi trần thế và trên Thiên đàng như Mẹ của mình.” [7]

Thánh Josemaria đã yêu mến Giáo Hội tha thiết từng ngày một, và dạy chúng ta cũng yêu mến như vậy. Ngay từ lúc thành lập Opus Dei, Ngài đã thấy rõ rằng để dâng Chúa tất cả vinh quang, để đặt Chúa Kitô trên đỉnh mọi hoạt động nhân loại, con đường đã được tìm thấy nơi khát vọng này: Omnes cum Petro ad Iesum per Mariam! Tất cả hiệp nhất, chúng ta phải đạt đến Đức Giêsu qua Mẹ Maria, trong hiệp nhất với những ý nguyện và ước muốn của Đức Giáo Hoàng, vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian. Trong tập sách Con Đường, ngài đã nói những lời này cho mọi người Công giáo: “Et unam, sanctam, catholicam et apostolicam Ecclesiam! – Tôi hiểu bạn cầu nguyện chậm rãi là để thưởng thức lời kinh: ‘Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền…’ ” [8]

Hội Thánh duy nhất vì là “một dân được hiệp nhất bởi sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,” [9] và sự hiệp nhất này được tạo nên bởi sự liên kết của ba yếu tố: đức tin, thờ phượng – đặc biệt là Thánh Thể – và sự thông hiệp phẩm trật. Đồng thời, Hội Thánh công giáo, phổ quát, mở ra cho mọi người, mọi chủng tộc, mọi nền văn hóa. Sự đa dạng phong phú của các nghi thức phụng vụ, của các truyền thống thiêng liêng và thần học, của kỷ luật, không những không làm phương hại mảy may đến sự hiệp nhất đó, nhưng lại càng biểu lộ sự hiệp nhất. Chính vì thế, khi “nhìn nhận về sự hiện hữu của Giáo Hội, ngoài việc Giáo Hội là thân thể Chúa Kitô với mọi yếu tố của chân lý và sự thánh thiện thuộc về Giáo Hội, như là của riêng Giáo Hội và hướng về sự thống nhất Công Giáo (x. Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 8), và tin vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng nung đốt tình yêu hiệp nhất nơi các môn đệ của Chúa Kitô,” [10] thì người ta cần xác định rằng sự cứu chuộc được thông truyền cho con người thông qua Giáo Hội. Chúng ta tin rằng Giáo Hội cần thiết cho ơn cứu rỗi, vì Chúa Kitô, Đấng duy nhất làm đầu và là đường dẫn đến ơn cứu độ, đã trao nộp chính mình thay cho chúng ta trong Nhiệm Thể của Ngài chính là Giáo Hội (x. Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 14). Và ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người.” [11]

Các con có thật sự đánh giá cao vẻ đẹp đức tin Công Giáo không? Như Cha chúng ta đã nói, đức tin Công Giáo mang lại câu trả lời cho tất cả những khát khao của tâm tư con người, bằng cách cho chúng ta biết được Thánh Ý Chúa, Đấng mong muốn những người nam người nữ được cứu độ và đạt đến sự hiểu biết chân lý. [12] Vì thế, Người ban cho các tín hữu của Hội Thánh những phương thế cứu độ. Và như là một hệ quả, ngọn lửa tông đồ, lòng khao khát được tuyên xưng sự hiểu biết và tình yêu của Chúa Kitô cho mọi người, là bản chất của ơn gọi Kitô hữu. Không gì có thể miễn cho chúng ta trách nhiệm này; và chúng ta phải ngẫm nghĩ: Điều này ảnh hưởng thế nào đến cá nhân tôi? Tôi hăng say thế nào trong việc loan truyền điều đó cho mọi người?

Chắc chắn, “những ai không biết về Tin Mừng của Chúa Kitô hay Giáo Hội của Người, không phải do lỗi của họ, nhưng vẫn tìm kiếm Thiên Chúa với một tấm lòng chân thành, và nhờ ân sủng tác động, họ nổ lực trong hành động để làm theo Thánh Ý Chúa mà họ biết được nhờ vào tiếng nói của lương tâm, thì những người ấy rất có thể sẽ có được cứu độ.” [13] Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn muốn nhờ đến sự cộng tác của chúng ta trong công trình phúc âm hóa. Mỗi người trong vị trí của mình phải nổ lực mỗi ngày để làm cho mọi người biết đến thông điệp cứu độ đó và để trợ giúp việc thực hiện công trình cứu độ. Như Thánh Josemaria đã nhấn mạnh, chúng ta không nên quên rằng “lương tâm có thể bị biến dạng hoặc trở nên chai đá cách đáng trách trong tội lỗi, kháng cự lại hành động cứu độ của Thiên Chúa. Đó là lý do vì sao phải loan truyền Giáo lý Chúa Kitô, các chân lý đức tin và các chuẩn mực luân lý Kitô giáo. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta cần các Bí tích, tất cả đều được thiết lập bởi Chúa Giêsu Kitô như những công cụ cứu cánh của ân sủng Ngài và như liều thuốc cho những yếu đuối do bản tính hay sa ngã của chúng ta.” [14]

“Thế nên, Giáo Hội cầu nguyện và làm việc để sự viên mãn của toàn thể thế giới có thể đạt đến trong Dân Chúa, Thân Thể của Chúa Kitô và Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, và để trong Chúa Kitô, là Đầu của mọi sự, tất cả mọi danh dự và vinh quang được dâng lên cho Đấng Tạo Hóa, là Cha của vạn vật.” [15]

Chúng ta đang sống trong giai đoạn mà nhu cầu xây dựng Giáo Hội càng ngày thúc bách. Chúng ta đừng nản lòng hay nhường bước cho những bi quan nhỏ nhoi, khi đối mặt với hoàn cảnh mà chủ thuyết tương đối và sự vô cảm – thậm chí là chối bỏ cả Thiên Chúa – lan nhanh như một vệt dầu trên nhiều vùng đất. Chúng ta, những người nghiêm túc trong niềm tin, cần phải vui vẻ gia tăng gấp đôi những cố gắng để mang các linh hồn về với Chúa, về với Hội Thánh. Đừng nghĩ đó là một nhiệm vụ nặng nề; chúng ta chỉ cần thực hiện điều đó trong khả năng của chúng ta, trong quyết tâm quy hướng trọn vẹn đời sống chúng ta về Chúa. Đấng Bào Chữa luôn hoạt động trong các tâm hồn, khơi dậy nơi từng tâm hồn – có thể là vào những thời điểm không ngờ trước – một niềm khao khát mãnh liệt đối với sự vĩnh cửu và đời sống siêu nhiên. Và chúng ta, mỗi người chúng ta, phải sẵn sàng để được sai đi. “Là Giáo Hội, là Dân Thiên Chúa, phù hợp với kế hoạch tình yêu tuyệt vời của Chúa Cha, nghĩa là trở nên men của Thiên Chúa trong nhân loại. Nghĩa là loan truyền và mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến trong thế giới này, thế giới thường hay lạc lối và đang cần những câu trả lời mang lại can đảm, hy vọng và sức mạnh mới cho cuộc lữ hành.” [16]

Cha nhấn mạnh: chúng ta hãy tin tưởng mạnh mẽ và đừng để bất cứ cửa ngõ nào cho sự nhát đảm. Thời đại này mang đến cho chúng ta nhiều khả năng khác nhau để học hỏi và gieo rắc điều tốt. Mỗi ngày mang lại cho chúng ta những cơ hội thể hiện tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa qua việc nói về Người cho những ai chúng ta gặp gỡ trên đường đời. Chúng ta hãy gia tăng lòng tin của chúng ta nơi Người. Đức Thánh Cha giải thích: “Thiên Chúa mạnh hơn. Và các con có biết vì sao Người mạnh hơn? Bởi vì Người là Thiên Chúa, là Thiên Chúa duy nhất. Và Cha muốn thêm rằng: vào những lúc tối tăm và bị sự dữ khống chế, thực tế có thể thay đổi nếu trước hết, chúng ta mang lấy ánh sáng Tin Mừng, đặc biệt qua đời sống chúng ta. Trong một sân vận động… vào một đêm tối trời, nếu ai đó thắp lên một ngọn nến, nó có thể chỉ vừa đủ để con trông thấy, nhưng nếu 70.000 khán giả thắp lên ngọn nến của mình, thì cả sân vận động sẽ bừng sáng. Chúng ta hãy để cho cuộc sống của mình nên một với ánh sáng của Chúa Kitô; cùng với Ngài, chúng ta hãy mang ánh sáng Tin Mừng đến với toàn bộ thực tế đời sống.” [17]

Chúng ta hãy lặp lại những lời đó của Đức Thánh Cha, cố gắng mỗi ngày để trong công việc, trong đời sống gia đình, trong các mối quan hệ xã hội, trong các hoạt động thể thao – trong mọi thời khắc! – ánh sáng của những người đi theo Chúa Kitô được tỏa sáng, được muôi dưỡng bởi lời cầu nguyện và bởi thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải và bí tích Thánh Thể.

Vào ngày lễ kính Thánh Josemaria, những lời cầu nguyện trên toàn thế giới được dâng lên trời, đặc biệt trong Hy Tế Thánh Lễ. Như Don Alvaro đáng mến của chúng ta thường nói: những lời cầu nguyện đã “đi khứ hồi”: Thiên Chúa gửi lại những lời nguyện cho chúng ta để chúng sinh hoa trái nơi chính chúng ta và nơi những bạn bè của chúng ta.

Trong những tuần tới, cha sẽ đến Brazil để tháp tùng Đức Thánh Cha trong ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới tổ chức tại Rio de Janeiro vào cuối tháng 7. Sau đó, nếu Chúa muốn, cha hy vọng sẽ có chuyến đi ngắn đến Chilê, Uruguay và Argentina, để kể cho các con trai, con gái của cha và những người khác nữa mà Giáo Hạt đang phục vụ qua công tác tông đồ, rằng Giáo Hội trông chờ rất nhiều vào tất cả chúng ta; rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cũng như vị tiền nhiệm của Ngài, đang cậy nhờ mỗi người chúng ta rao giảng thông điệp Chúa Kitô cho cả thế giới. Ngài đã nói với cha điều này trong buổi tiếp kiến Ngài dành cho cha hôm 10 tháng 6. Xin tiếp tục cầu nguyện cho Ngài và cho những ý nguyện của Ngài. Còn nhiều dịp khác nữa, Cha cậy nhờ tất cả các con để Thiên Chúa ban hoa trái thiêng liêng dồi dào trong những ngày diễn ra Đại hội ở Brazil và ở những nơi khác nữa mà Cha hy vọng sẽ đến sau đó. Tất cả những sự kiện này là một lời mời gọi kết hợp mật thiết hơn nữa với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô. Chúng ta hãy tháp tùng Ngài như những người con trai, con gái của Ngài, kết hiệp với Ngài và với công việc phục vụ Ngài dành cho Hội Thánh và các linh hồn.

Ngày 7 tháng 7 là kỷ niệm ngày cha Don Alvaro gia nhập vào Opus Dei. Cha gửi gắm nơi lời cầu bầu của Ngài lòng trung thành của tất cả chúng ta trong ơn gọi Kitô hữu của mình. Sau đó, vào ngày 16, chúng ta sẽ cử hành lễ kính Đức Mẹ Núi Cát Minh. Cha xin Mẹ, nhờ sự can thiệp của một người mẹ, Mẹ sẽ đong đầy chúng ta bằng những khao khát nên thánh và nhiệt huyết tông đồ.

Cha viết thư này khi đang ở Saragossa. Cha đến đây theo lời mời của Đức Tổng Giám Mục, để làm phép bức tượng Thánh Josemaria và Chân Phước Gioan Phaolô II, được đặt để các tín hữu tôn kính trong một nhà thờ của thành phố này. Rồi Cha sẽ đến Pamplona, Cha sẽ ở lại đó vài ngày trước khi đi Nam Mỹ. Xin tiếp tục cầu nguyện cho những ý nguyện của Cha nhé.

Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con,

Cha của các con,

Javier

Saragossa, ngày 1 tháng 7 năm 2013

Ghi chú:

[1] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 766.

[2] Vatican II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội. Lumen Gentium, số 4.

[3] Thánh lễ Missa, Kinh Tin kính của Công đồng Nicê và Constantinople

[4] Thánh Josemaria Escriva, Bài giảng lễ Trung thành với Giáo Hội, 4 tháng 6 năm 1972.

[5] Thánh Josemaria Escriva, Bài giảng lễ Mục đích Siêu nhiên của Giáo Hội, 28 tháng 5 năm 1972.

[6] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài phát biểu trong buổi yết kiến chung, 29 tháng 5 năm 2013.

[7] Thánh Josemaria Escriva, Bài giảng lễ Mục đích Siêu nhiên của Giáo Hội, 28 tháng 5 năm 1972.

[8] Thánh Josemaria Escriva, Con Đường, số 517.

[9] Thánh Cyprian, Cầu nguyện với Thiên Chúa 23 (PL 4, 553).

[10] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tuyên xưng đức tin của Dân Chúa, 30 tháng 6 năm 1967, số 22.

[11] Tài liệu vừa dẫn, số 23.

[12] 1 Tm 2,4.

[13] Vatican II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội. Lumen Gentium, số 16.

[14] Thánh Josemaria Escriva, Bài giảng lễ Mục đích Siêu nhiên của Giáo Hội, 28 tháng 5 năm 1972. X. Thánh Tôma Aquinô, S. Th. q. 62 a. 1 và q. 61, a. 2.

[15] Vatican II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội. Lumen Gentium, số 17.

[16] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài phát biểu trong buổi yết kiến chung, 12 tháng 6 năm 2013

[17] Tài liệu vừa dẫn.